THỜI BÁO VIỆT - ÚC
Gắn kết - Hội nhập - Phát triển
Gần đây, Trung Quốc công bố bản đồ tiêu chuẩn năm 2023 với “đường 10 đoạn” – phiên bản cập nhật của “đường 9 đoạn” được sử dụng để đưa ra các yêu sách chủ quyền ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Động thái này gây ra sự phẫn nộ trong các nước láng giềng của Trung Quốc, những nước coi đây là nỗ lực nhằm hợp pháp hóa các yêu sách của Bắc Kinh đối với các phần thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ.
“Đường 9 đoạn” đã bao phủ hơn 90% diện tích biển Nam Trung Hoa, nhưng phiên bản mới có thêm 1 đoạn nằm ở phía Đông Đài Loan, dường như nhằm mở rộng yêu sách của Trung Quốc ở khu vực này.
Đối với Ấn Độ, quốc gia cũng phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Arunachal Pradesh và Aksai Chin trong bản đồ mới của nước này, biển Nam Trung Hoa từ lâu đã trở thành khu vực có lợi ích thứ yếu. New Delhi không có yêu sách chủ quyền ở biển Nam Trung Hoa và chủ yếu tập trung vào biên giới Ấn Độ-Trung Quốc ở Ladakh, nơi Quân đội Ấn Độ và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) vẫn đang giằng co nhau. Tuy nhiên, chiến lược bành trướng của Bắc Kinh ở vùng biển châu Á giúp các nhà quan sát Ấn Độ có quãng nghỉ. Liệu chủ nghĩa phiêu lưu trên biển Nam Trung Hoa của Trung Quốc có báo hiệu kế hoạch tương tự ở Đông Ấn Độ Dương? Liệu việc Bắc Kinh củng cố quân ở Đông Nam Á có làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng sức mạnh giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở châu Á?
Ngòi nổ xung đột
Để hiểu động cơ thúc đẩy chiến lược của Trung Quốc ở biển Nam Trung Hoa, cần phải xem xét phạm vi yêu sách của Bắc Kinh ở khu vực. Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc có bản chất sâu rộng và mở rộng ra toàn bộ không gian biển, các đảo và các thực thể bên trong “đường 9 đoạn” ở biển Nam Trung Hoa. Điều quan trọng là Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng vũ lực để thực thi thẩm quyền được cho là của nước này đối với vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền. Trong những năm qua, Trung Quốc xây dựng và từng bước quân sự hóa các đảo nhân tạo ở biển Nam Trung Hoa. Hiện Trung Quốc sử dụng các đảo nhân tạo này làm căn cứ cho lực lượng Hải cảnh và các hoạt động dân quân biển của Trung Quốc ở khu vực, thường xuyên quấy rối tàu đánh cá và tàu cảnh sát biển của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền khác. Việt Nam, Malaysia, Đài Loan, Indonesia và Philippines, các bên có vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn với khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, đều là nạn nhân trong chiến thuật mạnh tay của Trung Quốc.
Đúng là đường 9 đoạn không có căn cứ pháp lý gì theo Luật biển. Tháng 7/2016, Tòa trọng tài ra phán quyết rằng yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử trong “đường 9 đoạn” là không có cơ sở pháp lý. Đúng như dự báo, Bắc Kinh bác bỏ phán quyết, gọi đó là vô căn cứ và hoàn toàn phiến diện. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh tăng cường tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở biển Nam Trung Hoa, cử thêm tàu dân quân và tàu hải cảnh đến khu vực tranh chấp, bao gồm cả vùng biển ngoài khơi Philippines, nơi tàu Trung Quốc thực hiện các hành động khiêu khích trắng trợn. Tháng 8/2023, căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines lên đến đỉnh điểm khi tàu Hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào đội tàu tiếp tế của Philippines ở quần đảo Trường Sa.
Xung đột Mỹ-Trung
Mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ làm trầm trọng thêm những bất đồng về chủ quyền trên biển. Mỹ không phải là một bên trong tranh chấp ở biển Nam Trung Hoa, nhưng nước này ủng hộ các quốc gia Đông Nam Á, trong đó nhiều nước là đồng minh của Mỹ. Về mặt chính thức, Washington khẳng định rằng họ cam kết “duy trì hòa bình và ổn định, đồng thời đề cao quyền tự do trên biển theo cách phù hợp với luật pháp quốc tế”. Tuy nhiên, tháng 7/2020, Mỹ cập nhật quan điểm của mình về biển Nam Trung Hoa, tuyên bố rằng nước này coi yêu sách đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi cũng như chiến dịch bắt nạt và quấy rối của Trung Quốc là hoàn toàn trái pháp luật. Kể từ đó, tàu chiến Mỹ tăng cường giám sát biển Nam Trung Hoa, thường xuyên hỗ trợ hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển ASEAN chống lại sự gây hấn của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp. Về phần mình, Trung Quốc coi hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực là sự can thiệp không được hoan nghênh. Bắc Kinh cáo buộc “hoạt động tuần tra tự do hàng hải” (FONOPS) của Hải quân Mỹ là vi phạm chủ quyền của Trung Quốc và gây nguy hiểm cho hòa bình của khu vực.
Vùng trời tranh chấp
Đáng lo ngại là các tranh chấp lãnh thổ ở biển Nam Trung Hoa còn một khía cạnh đáng lo ngại khác: Cuộc tranh giành không phận ở khu vực là rất mờ nhạt, không giống như bản chất khá rõ ràng của các yêu sách về lãnh thổ trên bộ và trên biển. Bắc Kinh không tuyên bố chủ quyền đối với vùng trời trên biển Nam Trung Hoa như cách họ tuyên bố chủ quyền không gian biển và các thực thể biển ở khu vực. Trong khi Trung Quốc phản đối sự hiện diện của máy bay quân sự nước ngoài ở Tây Thái Bình Dương, thậm chí thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, nước này chưa thiết lập ADIZ trên biển Nam Trung Hoa, có thể bởi vì việc vùng không được tiếp cận nằm trong khu vực không phận bận rộn làm khó có thể thực thi.
Điều đó không có nghĩa là Trung Quốc có thái độ ôn hòa trên bầu trời biển Nam Trung Hoa. Không phải như thế. Máy bay quân sự Trung Quốc thường xuyên theo dõi và quấy rối máy bay quân sự nước ngoài trong không phận Đài Loan. Tháng 5/2023, máy bay chiến đấu J-16 của Trung Quốc đã bay bám sát một cách nguy hiểm máy bay trinh sát của Mỹ đang hoạt động thường lệ trên biển Nam Trung Hoa. “Hành động gây hấn không cần thiết này”, như cách gọi của Washington, diễn ra chỉ vài tháng sau khi một máy bay phản lực Trung Quốc suýt va chạm với máy bay Mỹ trên biển Nam Trung Hoa. Thật vậy, trong những năm gần đây, đã có nhiều vụ việc Trung Quốc theo dõi máy bay quân sự Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Máy bay Trung Quốc cũng quấy rối máy bay quân sự Australia trên biển Nam Trung Hoa. Mặc dù vậy, Trung Quốc dường như nhận ra sự nguy hiểm của các cuộc chạm trán cự ly gần trên không và thậm chí đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với Mỹ trong đó vạch ra quy tắc ứng xử trong các tình huống “giáp lá cà” trên không và trên biển. Bắc Kinh thận trọng tránh không lặp lại sự cố EP-3 năm 2001 khi máy bay trinh sát Mỹ va chạm với máy bay chiến đấu Trung Quốc trên biển Nam Trung Hoa.
Mâu thuẫn trong ASEAN
Một số người cho rằng các tranh chấp có thể không gay gắt đến thế nếu không có sự thiếu nhất quán trong lập trường của ASEAN đối với Trung Quốc và vấn đề biển Nam Trung Hoa. Các quốc gia thành viên ASEAN có quan điểm khác nhau về hành vi gây hấn và quân sự hóa các thực thể trên biển của Trung Quốc. Một số quốc gia như Việt Nam và Philippines phản đối mạnh mẽ việc xây dựng đảo và thái độ quyết đoán của Trung Quốc, những nước khác như Campuchia và Lào thì có vẻ ủng hộ Bắc Kinh hơn. Việc Trung Quốc có ảnh hưởng lớn về kinh tế và chính trị ở Đông Nam Á chẳng giúp ích gì cho ASEAN. Trong khi Trung Quốc có mức độ ảnh hưởng khác nhau đối với từng quốc gia – một số quốc gia mang ơn Trung Quốc nhiều hơn so với quốc gia khác – thì sự phản đối đối với cách hành xử của Trung Quốc ở biển Nam Trung Hoa bên trong nhóm các quốc gia Đông Nam Á này là khá im lặng. Trong nhiều năm, Trung Quốc và ASEAN đàm phán về bộ quy tắc ứng xử - bộ các quy tắc rõ ràng để quản lý “hành vi” và để đảm bảo hòa bình và ổn định ở biển Nam Trung Hoa, nhưng vẫn chưa có kết quả.
Đối với ASEAN, tranh chấp lãnh thổ cũng là trở ngại không nhỏ cho quan hệ với Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á nhận thức được sự nguy hiểm của việc Trung Quốc hung hăng trên biển, nhưng cũng biết rằng việc không giải quyết được các tranh chấp lãnh thổ của khu vực có thể đặt ra câu hỏi về vai trò lãnh đạo của ASEAN. Việc xử lý không khéo léo các căng thẳng của khu vực thực sự có thể gây ra vòng xoáy xung đột trong khu vực. Khi đó, nhiều quốc gia cảm thấy buộc phải lựa chọn khó khăn giữa đối đầu và hợp tác với Trung Quốc.
Không phải là vấn đề của Bộ tứ, nhưng không phải là không liên quan
Nhìn bề ngoài, xung đột ở biển Nam Trung Hoa không phải là vấn đề đối với Bộ tứ - nhóm đa phương bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và Mỹ. Nhật Bản, Australia và Ấn Độ biết rõ sự nguy hiểm của việc can thiệp vào một vấn đề không liên quan trực tiếp đến mình. Tuy nhiên, mỗi nước đều nhận thấy tầm quan trọng của khu vực đối với sự cân bằng về thương mại và quân sự. Các đối tác Bộ tứ thừa nhận rằng sự gây hấn của Trung Quốc ở khu vực không thể được phép tự do diễn ra ở một đấu trường quan trọng. Đặc biệt, Nhật Bản tự coi mình là một bên liên quan quan trọng trong các vấn đề biển của Đông Nam Á. Mặc dù không có yêu sách lãnh thổ hay vùng đặc quyền kinh tế ở biển Nam Trung Hoa, nhưng Tokyo có lợi ích lớn về thương mại ở khu vực. Các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản lo ngại trước nguy cơ càng tăng của việc Trung Quốc kiểm soát các tuyến đường vận tải quan trọng ở Tây Thái Bình Dương. Họ cũng lo lắng trước viễn cảnh Trung Quốc chiếm Đài Loan, một đối tác và bạn thân của Nhật Bản. Mặc dù nước đôi trong việc thực hiện các hoạt động quân sự ở biển Nam Trung Hoa, nhưng Australia cũng nhận thấy hành động gây hấn trên biển của Trung Quốc là đáng lo ngại. Canberra đã tìm cách hỗ trợ Mỹ trong các hoạt động hàng hải ở khu vực.
Lợi ích của Ấn Độ ở biển Nam Trung Hoa
Ấn Độ trong những năm gần đây cũng tìm cách xem xét lại cách tiếp cận của mình đối với vấn đề biển Nam Trung Hoa. Mặc dù các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ vẫn tập trung vào Ấn Độ Dương, nhưng ngày càng thừa nhận tầm quan trọng của Tây Thái Bình Dương đối với thương mại và kết nối. Với hơn 55% thương mại của Ấn Độ đi qua khu vực này, an ninh hàng hải ở Đông Nam Á trở nên quan trọng đối với New Delhi hơn bao giờ hết. Giới tinh hoa chính trị Ấn Độ nhấn mạnh tầm quan trọng của biển Nam Trung Hoa như cửa ngõ thương mại quan trọng mà Ấn Độ có quyền lợi.
Mặc dù vậy, chính sách của New Delhi đối với biển Nam Trung Hoa vẫn tiếp tục được định hình bởi nhu cầu kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương. Điều này được dẫn dắt bởi hiểu biết rằng sự hiện diện ngày càng lớn của Trung Quốc ở Đông Ấn Độ Dương sẽ làm xói mòn đòn bẩy chiến lược của Ấn Độ tại khu vực láng giềng của nước này. Các nhà quan sát Ấn Độ cho rằng việc Trung Quốc củng cố sức mạnh ở biển Nam Trung Hoa có thể dẫn đến việc Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc triển khai thêm sức mạnh ở Vịnh Bengal. Do đó, nỗ lực trọng tâm của Ấn Độ trong những năm gần đây là theo dõi hoạt động nghiên cứu và giám sát của Trung Quốc ở vùng duyên hải Nam Á.
Để cho chắc chắn, New Delhi đã có động thái tăng cường quan hệ và can dự sâu hơn vào Đông Nam Á. Ấn Độ ký thỏa thuận với Philippines về việc cung cấp 3 khẩu đội tên lửa Brahmos và gần đây đã tặng 1 tàu chiến cho Việt Nam. Tháng 5/2023, Hải quân Ấn Độ tổ chức cuộc tập trận chung đầu tiên với hải quân các nước ASEAN ở biển Nam Trung Hoa và tháng 6, Ấn Độ và Philippines đưa ra tuyên bố chung kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016. Không biết điều này đánh dấu việc Ấn Độ từ bỏ quan điểm trung lập lâu đời đối với các tranh chấp lãnh thổ ở Đông Nam Á hay chỉ đơn thuần là dấu hiệu cho thấy sự quan tâm chính trị ngày càng tăng của Ấn Độ đối với khu vực vẫn còn là điều gây tranh cãi. Dường như rõ ràng là New Delhi muốn gây ảnh hưởng đến địa chính trị ở Thái Bình Dương. Bằng cách bắn tín hiệu cho Trung Quốc rằng chiến dịch hăm dọa của nước này ở biển Nam Trung Hoa là không thể chấp nhận được, Ấn Độ đang tìm cách củng cố phẩm chất của mình với tư cách là bên liên quan có trách nhiệm ở khu vực.
Mặc dù điều này bổ sung cho học thuyết “An ninh và Tăng trưởng cho tất cả mọi người” (SAGAR) và chính sách “Hành động hướng Đông” của New Delhi, nhưng không làm thay đổi thực tế rằng quan điểm quân sự đối với biển Nam Trung Hoa của Ấn Độ cơ bản vẫn là thận trọng. Dù nhấn mạnh vào quyền tiếp cận biển và quyền tự do trên biển cả, Ấn Độ vẫn chưa thách thức sự gây hấn trên biển của Trung Quốc hay phản đối các yêu sách lãnh thổ quá mức của Bắc Kinh ở biển Nam Trung Hoa. Với việc lợi ích chiến lược của Ấn Độ chủ yếu giới hạn ở Ấn Độ Dương, có lẽ làm như thế là đúng. Đối với New Delhi, lựa chọn không phải giữa việc trở thành một bên liên quan hay một bên tham gia tích cực. Đúng hơn, nước này phải là một đối tác cam kết với các quốc gia ASEAN sẵn sàng đẩy lui Trung Quốc./.
Thoibaovietuc.com/Nguồn orfonline.org
Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved