Điều gì xảy ra tiếp theo đối với Hamas và Israel?

Thứ Ba, 15/07/2025

9:37 pm(VN)

-

12:37 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Điều gì xảy ra tiếp theo đối với Hamas và Israel?

17/10/2023

Ngày 7/10, Hamas phát động một cuộc tấn công nhiều hướng vào miền Nam Israel, khiến hàng trăm người thiệt mạng và 150 người bị bắt làm con tin. Israel đáp trả bằng việc tiến hành các cuộc không kích khiến hàng trăm người thiệt mạng, phong tỏa toàn bộ Dải Gaza và tuyên chiến. Cho đến nay, hơn 1.600 người đã thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương trong các cuộc giao tranh. Theo giới chức Israel và Palestine, hơn 900 người Israel và người nước ngoài đã thiệt mạng ở Israel, và hơn 700 người Palestine đã thiệt mạng ở Dải Gaza và Bờ Tây.


Đây là cuộc tấn công chưa có tiền lệ trong lịch sử Hamas, và những ngày sắp tới có thể sẽ là bước ngoặt đối với tương lai của Israel, Palestine và khu vực rộng lớn hơn. Điều duy nhất thực sự rõ ràng ở thời điểm này là Israel sẽ đáp trả. Hình thức đáp trả chính xác của Israel sẽ trở nên rõ ràng trong những ngày tháng tới, nhưng tác động toàn diện của có thể sẽ vẫn là ẩn số trong những tháng, thậm chí là năm, tới.


Khủng hoảng lần này khác với những lần trước như thế nào?


Trước đây, Hamas từng tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa, xâm nhập và bắt cóc, nhưng cuộc tấn công lần này đã khiến nhiều người thiệt mạng hơn tất cả các cuộc tấn công của Hamas kể từ năm 2007 cộng lại.


Hơn 3.200 quả tên lửa mà Hamas đã phóng đi vào ngày 7-8/10 theo tuyên bố của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã vượt quá tổng số tên lửa được phóng trong bất kỳ năm nào khác kể từ khi Hamas nắm quyền kiểm soát Dải Gaza, ngoại trừ năm 2014 và năm 2021. Số lượng tên lửa được phóng đi trong các đợt tấn công ban đầu hôm 7/10 vẫn lớn hơn nhiều so với số lượng tên lửa được phóng đi trong giai đoạn mở đầu của các cuộc xung đột năm 2014 và 2021.


Đây là cuộc tấn công với quy mô chưa từng có. Ngày 7/10, hàng trăm tay súng đã xâm nhập Israel từ nhiều hướng. Họ đã tiến vào khoảng 20 thị trấn, nắm quyền kiểm soát một số cộng đồng và tấn công ít nhất một nhóm dân thường lớn. IDF phải mất hơn 2 ngày chiến đấu mới giành lại được quyền kiểm soát đối với những khu định cư gần Dải Gaza nhất.


Hamas cũng từng bắt giữ con tin, nhưng chưa bao giờ bắt giữ nhiều con tin như trong cuộc tấn công lần này – con số này vẫn chưa được xác định chính xác, nhưng ước tính khoảng 150 người. Israel hết sức nhạy cảm với việc bắt giữ con tin, và điều này được thể hiện qua việc họ quyết định thả hơn 1.000 tù nhân người Palestine để đổi lấy binh sĩ Gilad Shalit thuộc IDF vào năm 2014, cũng như việc các cuộc đàm phán về 2 dân thường Israel và thi thể của 2 binh sĩ IDF do Hamas nắm giữ vẫn chưa đi đến kết luận trong gần một thập kỷ. Các con tin bị bắt cũng bao gồm một số lượng không xác định công dân nước ngoài, khiến tình hình càng thêm phức tạp.
Phản ứng của Israel cũng đáng kể và có khả năng sẽ tăng lên trong những ngày tới. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên chiến và phát động chiến dịch “Kiếm sắt”, Bộ trưởng Quốc phòng Israel kêu gọi “bao vây toàn diện” Dải Gaza, còn IDF tiến hành một đợt không kích chưa từng có vào nơi này và huy động 300.000 quân dự bị.


Số lượng con tin sẽ gây khó khăn cho Israel trong việc phản ứng theo những cách chưa từng có. Về mặt ngôn từ, Netanyahu cam kết sẽ phản ứng quyết liệt, nhưng việc giải cứu con tin đòi hỏi hành động ở quy mô nhỏ hơn như đàm phán hoặc chiến dịch của lực lượng đặc biệt. Con tin sẽ khiến Israel gặp khó hơn nhiều trong việc ra quyết định quân sự vì Hamas đang dọa sẽ giết con tin để đáp trả các cuộc không kích của Israel, và các chỉ huy IDF vẫn chưa xác định được địa điểm giam giữ con tin.


Tại sao Hamas lại tấn công vào lúc này?


Hamas có một vài lý do để hành động. Những tuyên bố của Hamas về tính hợp pháp chính trị phụ thuộc vào sự kết hợp giữa việc cung cấp dịch vụ ở Dải Gaza, nơi nhóm này nắm quyền kiểm soát trên thực tế, và sự phản kháng đầy bạo lực đối với Israel. Hamas khác với Chính quyền Palestine, vốn quản lý khu vực Bờ Tây. Hamas tỏ ra ít tham nhũng hơn so với Chính quyền Palestine – kết luận không khó để đưa ra – và cung cấp các dịch vụ công như dịch vụ thu gom rác thải và thực thi pháp luật ở Dải Gaza. Tuy nhiên, khả năng cải thiện cuộc sống của người Palestine đã bị hạn chế một phần do sức ép kinh tế của Israel. Tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói ở khu vực này vẫn ở mức cao, làm tăng vai trò quan trọng của việc phản kháng bằng vũ trang đối với dự án chính trị của Hamas, nhất là khi Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas già đi mà không có người kế nhiệm rõ ràng.


Cuộc tấn công cũng diễn ra sau nhiều năm bạo lực leo thang và khủng hoảng diễn ra thường xuyên hơn. Sự phát triển không kiểm soát của các khu định cư người Israel ở Bờ Tây, việc người định cư Israel sử dụng bạo lực đối với dân thường Palestine và sự phân biệt chủng tộc công khai của một số thành viên trong liên minh cầm quyền của Netanyahu đã gây ra tâm lý bất mãn và trạng thái bi quan ở người Palestine. Sự gia tăng các hành động khiêu khích tại Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa, một trong những địa điểm linh thiêng nhất của đạo Hồi, cũng từng bước khiến căng thẳng leo thang, và Hamas đã chỉ rõ những vụ việc này là lý do khiến họ tiến hành tấn công.


Cuộc tấn công cũng được thực hiện vào thời điểm thích hợp nhằm cản trở nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel do Mỹ lãnh đạo. Điều này sẽ phục vụ lợi ích của Iran, người bảo trợ chính của Hamas và là đối thủ dai dẳng nhất của Israel. Các báo cáo cho thấy Iran đã giúp Hamas lên kế hoạch cho cuộc tấn công, nhưng mức độ can dự của Iran có lẽ vẫn sẽ là ẩn số trong một thời gian dài. Việc Iran đặc biệt chỉ thị cho Hamas tấn công có vẻ hợp lý; tuy nhiên, nhiều khả năng điều này bắt nguồn từ sự chồng chéo về lợi ích giữa Iran và Hamas.


Vì sao Israel không hay biết về cuộc tấn công?


Việc cơ quan tình báo Israel vẫn hay khoe khoang về năng lực của mình nhưng lại không chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc tấn công này sẽ là chủ đề tranh luận trong một thời gian dài. Thất bại trong việc thu thập thông tin thường xảy ra do các đơn vị không thu thập đủ thông tin cần thiết để đưa ra lời cảnh báo cho các nhà quyết sách hoặc do các nhà phân tích bị cuốn vào các giả định và quy trình phân tích sai lầm. Hai nguyên nhân này có thể đã dẫn đến thất bại vừa rồi của Israel.


Israel có thể đã đánh giá thấp khả năng học hỏi và tiến hành bảo mật hoạt động của Hamas. Bộ máy an ninh của Israel có năng lực đáng gờm nhưng không toàn diện. Việc Hamas có khả năng lập kế hoạch cho một cuộc tấn công với sự tham gia của hàng nghìn chiến binh cho thấy tổ chức này có thể xác định và thực hiện các biện pháp đối phó với hệ thống máy bay không người lái, đội ngũ cung cấp thông tin và hệ thống giám sát điện tử của Israel. Tuy nhiên, theo thông tin của một quan chức tình báo Ai Cập, cơ quan tình báo nước này đã phát hiện và thông báo cho Israel rằng chuyện lớn sắp xảy ra. Nếu đúng như vậy, thì điều này có nghĩa là nỗ lực phản gián thành công của Hamas không phải là yếu tố quyết định thất bại của Israel.


Quan chức tình báo Israel cũng có thể đã nhầm tưởng rằng tình trạng của Hamas trong tương lai sẽ giống như trong giai đoạn gần đây. Trong các cuộc khủng hoảng khác nhau kể từ năm 2014, Israel dường như vẫn duy trì được khả năng răn đe, và điều này được thể hiện qua việc Hamas và Hezbollah liên tục tìm cách giảm leo thang thông qua đàm phán. Các hệ thống phòng thủ của Israel như “Vòm sắt” dường như cũng bảo vệ người Israel trước các chiến dịch của Hamas, trong khi “hàng rào thông minh” khiến việc xâm nhập từ Dải Gaza trở nên khó khăn. Hamas gần đây cũng được coi là đang từng bước điều chỉnh lập trường của mình, tìm kiếm tính hợp pháp thông qua phát triển kinh tế trong khi các nhóm nhỏ hơn như nhóm Thánh chiến Hồi giáo Palestine tiến hành các cuộc tấn công vào Israel. Những giả định này rõ ràng là sai, và một số nhà phân tích đã cảnh báo rằng tình hình ở Palestine đang sôi sục và Hamas ngoan cố đang tìm cách lật ngược tình thế với Israel.


Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?


Israel không có lựa chọn tốt ở Dải Gaza. Các cuộc không kích đang diễn ra, cho dù lớn đến đâu, có lẽ cũng sẽ không được xem là động thái thiết lập lại năng lực răn đe hoặc cản trở Hamas giành được thắng lợi lớn. Việc phong tỏa toàn bộ cũng sẽ không đủ, cho dù tác động của động thái này đối với người Palestine sẽ rất khủng khiếp. Theo Đại sứ Israel tại Liên hợp quốc, nước này có kế hoạch làm tiêu tan năng lực khủng bố của Hamas, vốn không thể được tạo dựng bằng phong tỏa hay không kích.


Điều này khiến cho việc can thiệp quy mô lớn trên mặt đất là phương án hành động khả thi nhất, cho dù Israel đã nhiều lần tìm cách tránh những cuộc tấn công như vậy trong quá khứ. Một cuộc tấn công như vậy sẽ gây khó khăn cho quân đội Israel và gây thiệt hại nặng nề cho dân thường Palestine. Dải Gaza là một trong những nơi có mật độ dân cư đông nhất thế giới, và các cuộc tấn công vào đô thị là một trong những hoạt động khó khăn và nguy hiểm nhất đối với quân đội. Có thể hình dung ra điều này qua cuộc tấn công lớn trên mặt đất gần đây nhất của Israel vào Dải Gaza, chiến dịch “Protective Edge” năm 2014, kéo dài khoảng 2 tuần và chỉ xâm nhập vài km vào khu vực này. Cuộc giao tranh trong 2 tuần đó đã khiến 66 binh sĩ Israel, 6 dân thường Israel và hơn 2.000 người Palestine (chủ yếu là dân thường, mà 1/4 trong số đó là trẻ em) thiệt mạng, nhưng khó mà biết chính xác số người thiệt mạng trong trận chiến trên mặt đất hơn là trong các cuộc tấn công bằng tên lửa của người Palestine hoặc bằng máy bay của Israel.


Ngoài Dải Gaza, Israel cũng sẽ phải tìm cách đối phó với mối đe dọa leo thang ở 2 khu vực then chốt. Một là khu vực biên giới phía Bắc với Liban và Syria, nơi đã chứng kiến một cuộc khủng hoảng lớn trong năm nay. Hezbollah dường như đang thử thách giới hạn của Israel trong khu vực này khi bắn tên lửa và đạn pháo vào Cao nguyên Golan hôm 8/10. IDF cũng cho biết họ đã tiêu diệt một số lượng không xác định kẻ xâm nhập từ Liban và bắt đầu tiến hành không kích ở miền Nam Liban hôm 9/10. Tình hình biên giới không chắc chắn và có thể thay đổi nhanh chóng.


Hai là khu vực Bờ Tây, nơi Hamas đã kêu gọi phiến quân cầm vũ khí. Khu vực này đã sớm rơi vào tình trạng bất ổn. Trước cuộc tấn công hôm 7/10, bạo lực ở Bờ Tây đã gia tăng đến mức các nhà phân tích đang nói về “Intifada” (cơn địa chấn) thứ ba. Hoạt động quân sự trước đây của Israel ở Dải Gaza đã gây ra các cuộc biểu tình quy mô lớn ở Bờ Tây, và hầu như không có lý do gì để tin rằng các hoạt động hiện tại của Israel sẽ khác. Israel đã tiến hành một chiến dịch quy mô lớn trên mặt đất ở Bờ Tây trong năm nay, một cuộc đột kích quy mô lớn vào trại tị nạn Jenin, và có thể cảm thấy buộc phải can thiệp lần nữa nếu Chính quyền Palestine không thể hạn chế tình trạng bất ổn.


Nếu Israel dùng vũ lực tiến vào Dải Gaza, thì nước này sẽ phải đưa ra quyết định quan trọng – không động đến Hamas và để lực lượng đang suy yếu này tiếp tục nắm quyền kiểm soát hay lật đổ chính quyền trên thực tế của khu vực này. Cả hai lựa chọn trên đều không hấp dẫn. Nếu Hamas sống sót, thì tổ chức này sẽ tuyên bố thắng lợi chiến lược trước Israel. Nếu Hamas bị lật đổ, thì sẽ không có lực lượng Palestine ôn hòa nào thay thế họ. Chính quyền Palestine thiếu sự ủng hộ chính trị đáng kể của người Palestine và đã dùng đến biện pháp đàn áp tàn bạo ở Bờ Tây khi không đảm bảo được tính hợp pháp về mặt chính trị. Nếu không có lựa chọn sẵn có để thay thế Hamas, thì Israel sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc nắm quyền kiểm soát trực tiếp Dải Gaza. Điều này rất có thể sẽ khiến Palestine tăng cường hành động quân sự, làm sâu sắc thêm sự chia rẽ trong xã hội Israel, cũng như phong tỏa nguồn lực kinh tế và quân sự của nước này trong một chiến dịch chống nổi dậy không có giới hạn./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn csis.org

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage