Tờ “The Korea Times” (Hàn Quốc) ngày 21/9 đăng bài phân tích của Trung tướng Chun In-bum, cựu Chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm Hàn Quốc, về biện pháp đối phó với mối đe dọa tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Theo đó, Hàn Quốc cần hoàn thiện năng lực chống ngầm trong khi hướng đến mục tiêu phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân để có thể giải quyết các mối đe dọa của Triều Tiên. Dưới đây là nội dung cụ thể:
Trong bối cảnh môi trường an ninh quốc tế biến động khó lường, việc Triều Tiên mới đây tiết lộ một tàu ngầm cải tiến từ thời Liên Xô đang gây ra những mối quan ngại nghiêm trọng. Ngày 6/9, Triều Tiên cho biết đã hạ thủy một tàu ngầm cải tiến có khả năng phóng 10 tên lửa đạn đạo. Mặc dù ai cũng hiểu rằng Triều Tiên cần phải trang bị nhiều hơn nữa tàu ngầm loại này để tối đa hóa năng lực tấn công, nhưng chỉ với sự tồn tại của một chiếc tàu ngầm như vậy cũng cho thấy sự thay đổi đáng kể cán cân quân sự bên trong và xung quanh Bán đảo Triều Tiên.
Tàu ngầm cải tiến của Triều Tiên hoạt động bằng động cơ diesel, thiết kế này có những hạn chế nhất định. Đáng chú ý nhất là phạm vi hoạt động, nó khó có thể vươn ra khắp vùng biển Thái Bình Dương rộng lớn, nhưng có lợi thế hoạt động trong khu vực biển Hoàng Hải, qua đó đặt ra mối đe dọa an ninh nghiêm trọng đối với Hàn Quốc.
Để đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng này, một bộ phận dư luận Hàn Quốc bắt đầu lên tiếng kêu gọi phát triển tàu ngầm hạt nhân vì hai lý do. Thứ nhất, sức mạnh vượt trội của tàu ngầm hạt nhân là khả năng hoạt động trong nhiều tháng, trái ngược hoàn toàn với các tàu ngầm lớp diesel thông thường vốn chỉ có thể ở dưới nước vài ngày hoặc vài tuần. Thứ hai, tàu ngầm hạt nhân có thể duy trì tốc độ di chuyển dưới biển lên tới 40 hải lý/giờ trong thời gian dài, có ưu thế hơn hẳn so với tàu ngầm thông thường vốn chỉ đạt được tốc độ dưới 20 hải lý/giờ và thường xuyên phải nổi lên mặt nước để sạc pin. Những đặc điểm nổi trội này khiến tàu ngầm hạt nhân trở thành công cụ lý tưởng để phát hiện và vô hiệu hóa các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Dư luận Hàn Quốc cơ bản ủng hộ việc phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và xem đây là phương tiện hiệu quả để chống lại mối đe dọa từ Triều Tiên. Cụ thể, tàu ngầm hạt nhân của Hàn Quốc có thể lặn “mai phục” xung quanh các cảng biển của Triều Tiên, theo dõi, kịp thời phát hiện các tàu Triều Tiên ra vào cảng và đưa ra động thái đáp trả quyết đoán nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu tấn công nào.
Tuy nhiên, việc hiện thực hóa ý tưởng kể trên đòi hỏi một quá trình phức tạp, nhiều thách thức. Hàn Quốc phải tham gia đàm phán với Mỹ để đạt được một thỏa thuận mới liên quan đến việc sử dụng năng lượng hạt nhân. Quá trình này đòi hỏi nhiều nỗ lực ngoại giao và có thể khiến hai nước đồng minh phát sinh mâu thuẫn.
Không ai có thể chắc chắn về thời gian và kết quả của quá trình đàm phán. Điều này khiến Hàn Quốc phải đặt ra một câu hỏi cấp bách: Cần tiến hành những bước đi nào trong thời gian sắp tới?
Triều Tiên dự kiến sẽ mất từ 3-5 năm để phát triển thêm tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo và đưa vào vận hành trong thực tế. Trong giai đoạn quan trọng này, Hàn Quốc phải thiết lập một hệ thống phòng thủ vững chắc trước mối đe dọa này. Ngay cả khi một thỏa thuận hạt nhân mới với Mỹ được đàm phán thành công, khoảng thời gian cho việc thiết kế, chế tạo và triển khai các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân khó có thể đáp ứng được tính cấp bách của tình hình. Vì vậy, một phản ứng tức thì là yêu cầu bắt buộc trong tình hình hiện nay.
Một giải pháp khả thi khi chưa có tàu ngầm hạt nhân là đầu tư vào nâng cao khả năng chống ngầm, là công cụ để tuần tra, theo dõi và ngăn chặn các mối đe dọa từ hải quân Triều Tiên. Hàn Quốc cần tăng cường hợp tác với Mỹ và Nhật Bản để giám sát chuỗi đảo đầu tiên. Thông qua các nỗ lực xây dựng lòng tin này, Hàn Quốc có thể đề xuất dự án phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Để thực hiện cách tiếp cận toàn diện này, hải quân Hàn Quốc cần tiến hành các biện pháp nâng cấp các tàu ngầm có động cơ đẩy độc lập, máy bay chống ngầm và tàu chiến mặt nước. Hàn Quốc có thể đề xuất các sáng kiến hợp tác với Washington và Tokyo, tập trung vào việc tăng cường, chia sẻ và phân tích thông tin cảm biến chống ngầm bằng âm thanh và phi âm thanh. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng nên tập trung nguồn lực vào việc phát triển các công nghệ chống ngầm mới, bao gồm phương tiện không người lái trên không và dưới nước, thiết bị phân tích sóng tàu ngầm và hệ thống chống ngầm được tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI).
Chi phí là một yếu tố quan trọng trong việc triển khai các biện pháp kể trên. Việc xây dựng và bảo trì một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đòi hỏi những chi phí đáng kể, gánh nặng cho ngân sách quốc phòng. Theo đó, vấn đề tài chính cần được cân nhắc cẩn trọng trong khi vẫn đảm bảo được khả năng ứng phó với các mối đe dọa.
Tóm lại, tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Triều Tiên là một thách thức an ninh nghiêm trọng đối với Hàn Quốc. Tuy nhiên, việc theo đuổi dự án tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân phải cân bằng được khả năng ứng phó kịp thời với mối đe dọa và giải quyết bài toán ngân sách. Để điều hướng môi trường an ninh biến động phức tạp hiện nay, biện pháp tăng cường năng lực chống ngầm vẫn là bước đi khả thi, kịp thời nằm trong tổng thể một chiến lược toàn diện theo đuổi chương trình phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong tương lai./.
Thoibaovietuc.com/nguồn The Korea Times