Liên minh nào quan trọng nhất đối với Australia?

Thứ Hai, 14/07/2025

6:15 pm(VN)

-

9:15 pm(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Liên minh nào quan trọng nhất đối với Australia?

30/10/2023

Tạp chí "Financial Review" của Australia ngày 25/10 đăng bài viết của tác giả James Curran, giáo sư lịch sử hiện đại của Đại học Sydney (Australia), về danh sách 9 liên minh quan trọng mà Australia tham gia trong những năm gần đây. Dưới đây là đánh giá và xếp hạng về tầm quan trọng của các liên minh này. 
          

Cựu Thủ tướng Australia Paul Keating từng bình luận rằng, vào thời điểm trước khi ông đưa ra sáng kiến thành lập Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào năm 1992, một thủ tướng Australia cơ bản chỉ tham dự 2 hội nghị thượng đỉnh quốc tế là Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương (PIF) và Hội nghị cấp cao của Khối Thịnh vượng chung. Kể từ đó, danh sách các diễn đàn toàn cầu có sự góp mặt của người đứng đầu chính phủ Australia, cùng với vô số các thỏa thuận và liên minh mới mà Canberra ký kết, ngày càng gia tăng chóng mặt. Tính đến nay, Thủ tướng Anthony Albanese đã tham dự ít nhất 10 hội nghị thượng đỉnh toàn cầu và cuộc họp song phương, và còn nhiều sự kiện tương tự trước mắt. Ông Anthony Albanese đã thăm cấp cao Washington và có kế hoạch đến thăm Bắc Kinh trong chuyến đi tiếp theo.
          

Với hàng loạt cái tên viết tắt của các diễn đàn đa phương - đại diện cho chủ nghĩa khu vực ở châu Á mà Australia đang tham gia - chẳng hạn như APEC, ASEAN và EAS, còn một loạt cái tên khác đại diện cho các thỏa thuận và quan hệ đối tác khác đang khiến Australia phải “căng mình”. Dưới đây là thông tin về các liên minh quan trọng nhất của Australia và lý do tại sao Australia lại coi liên minh này quan trọng hơn liên minh kia.
          

Australia liên minh với những quốc gia nào?
          

Australia tham gia các liên minh chiến lược toàn cầu kể từ khi mạng lưới Liên minh Tình báo Five Eyes hình thành vào năm 1946 sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tiếp sau đó là các kết nối an ninh lâu dài khác, chẳng hạn như Hiệp ước an ninh quân sự Australia-New Zealand- Mỹ (ANZUS) được ký kết vào năm 1951 và Hiệp ước Phòng thủ Ngũ cường (FPDA - gồm Malaysia, Singapore, Anh, Australia và New Zealand) được ký kết vào năm 1971.
          

Các hình thức liên minh gần đây của Austraia là Đối thoại an ninh 4 bên (Nhóm Bộ tứ - gồm Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Australia) và Thỏa thuận AUKUS (gồm Australia, Anh, Mỹ) năm 2021 - thỏa thuận nhằm trang bị cho Australia không chỉ năng lực tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, mà còn giúp Australia tiếp cận công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), mạng máy tính và tính toán lượng tử của Mỹ. Kể từ năm 2022, Australia (cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand) là một trong 4 đối tác châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và đã 2 lần tham dự cuộc họp bên lề gần đây của tổ chức này. 
          

Một điều rõ ràng nhận thấy là mục tiêu đằng sau hàng loạt các thỏa thuận này là Trung Quốc, đồng thời các thỏa thuận này cũng kết hợp giúp tăng cường hệ thống liên minh Mỹ-châu Á.
          

Australia thường tham gia vào các liên minh, nhưng hiếm khi từ bỏ chúng. Do vậy, điều này dẫn đến mạng lưới các hiệp định thương mại và an ninh phức tạp bao trùm các hoạt động ngoại giao, thỏa thuận, liên minh và hiệp ước của Australia với nhiều quốc gia khác. Dưới đây là danh sách mà tác giả bài viết xếp hạng các liên minh chiến lược và quốc phòng hàng đầu của Australia theo thứ tự ưu tiên từ cao đến thấp, cụ thể: Các đồng minh của Australia; Khối ANZUS; Hiệp ước căn cứ an ninh quốc phòng bí mật Pine Gap giữa Mỹ và Australia; Thỏa thuận thế trận lực lượng Mỹ-Australia (FPA); Hiệp ước Lombok; Liên minh Tình báo Five Eyes; Nhóm Bộ tứ; Thỏa thuận tiếp cận tương hỗ giữa Australia và Nhật Bản; Hiệp ước Phòng thủ Ngũ cường (FPDA).
          

Tầm quan trọng của các liên minh
          

Dấu hiệu để xác định một liên minh nào đó được ưu tiên hơn so với liên minh khác chính là cách dùng thuật ngữ để mô tả liên minh đó. Một “Hiệp ước” thường quan trọng hơn một “Quan hệ đối tác” hay “Đối thoại” vì “Quan hệ đối tác” hay “Đối thoại” chỉ cung cấp khuôn khổ chung cho việc thảo luận và hợp tác hơn là một loạt danh sách các nghĩa vụ chính thức. 
          

Một hiệp ước gồm một loạt các thỏa thuận ràng buộc giữa các quốc gia và “dẫn tới các quyền và nghĩa vụ pháp lý quốc tế” – như Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) đã nhấn mạnh. Trong quá khứ, các hiệp ước – chẳng hạn như Hòa ước Versailles năm 1919 – đã được sử dụng để lập lại hòa bình sau chiến tranh.
          

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng ngay cả Hiệp ước ANZUS cũng không mang lại cho Australia tất cả những gì họ mong muốn sau khi Chính phủ Thủ tướng Menzies ký kết vào năm 1951. Hiệp ước này như một tuyên bố kiểu NATO rằng “một cuộc tấn công vào một quốc gia có nghĩa là tấn công vào tất cả”. Thay vào đó, hiệp ước chỉ đưa ra cam kết tham vấn giữa các thành viên, được coi là quy tắc giao tiếp cấp cao giữa những người đứng đầu chính phủ và các quan chức khác, trong trường hợp xảy ra các hoạt động quân sự ở khu vực Thái Bình Dương.  
          

Australia đã phải áp dụng một hiệp ước chưa?
          

“Phép thử” đối với Hiệp ước ANZUS xuất hiện vào đầu những năm 1960 khi căng thẳng nảy sinh giữa Australia và Indonesia về số phận của Tây New Guinea và xung đột giữa Indonesia và Malaysia. Vào thời điểm đó, trước lo ngại Australia có thể dính líu đến một cuộc xung đột quân sự với Indonesia, các quan chức nước này đã nỗ lực thuyết phục Washington cam kết điều động quân sự trong trường hợp nổ ra chiến tranh với Indonesia. Tuy nhiên, nỗ lực đó của Australia đã thất bại. Khi đó, người Australia nhận ra rằng Mỹ không nhất thiết phải giải thích với Australia về những quy định trong Hiệp ước ANZUS. Tổng thống Mỹ John F. Kennedy nói riêng với các quan chức Australia rằng người dân Mỹ đã “quên ANZUS”.
          

Có thể nói rằng nỗ lực của các chính phủ gần đây ở Australia, đặc biệt là từ thời Thủ tướng John Howard, nhằm trao cho quân đội Mỹ quyền tiếp cận Australia nhiều hơn, theo một cách nào đó có liên quan đến những nghi ngờ còn lại (và phần lớn ít được nói ra) về cam kết của Mỹ đối với vấn đề quốc phòng của Australia. Mục đích là biến việc phòng thủ của Australia trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược châu Á của Mỹ.
          

Có thể cho rằng, sự hiện diện của căn cứ Pine Gap gần Alice Springs – cơ sở tình báo quan trọng nhất của Mỹ bên ngoài nước Mỹ – và sự hiện diện luân phiên của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ ở Darwin cũng như các lực lượng quân sự và hậu cần khác của Mỹ ở miền Bắc Australia – đã giải tỏa những nghi ngờ này trong tâm trí một số nhà hoạch định chính sách lớn ở Australia.
           

Quan hệ đối tác chiến lược (toàn diện) là gì?
          

Sự phát triển nhanh chóng các mối quan hệ đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện mà Australia công bố trong những năm gần đây trở thành một hiện tượng: Canberra đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược hoặc Đối tác chiến lược toàn diện với ASEAN, Indonesia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia, Việt Nam, Papua New Guinea, Singapore và Trung Quốc. Australia có quan hệ Đối tác chiến lược đặc biệt với Nhật Bản.
          

Các mối quan hệ đối tác trên chủ yếu là một phương tiện báo hiệu mối quan hệ song phương đang trên đà phát triển, mức độ tin cậy lớn hơn và trong nhiều trường hợp ghi nhận mức độ song trùng nhất định về chiến lược. Đôi khi, những thỏa thuận này là kết quả “nâng cấp” từ quan hệ Đối tác chiến lược lên Đối tác chiến lược toàn diện, điều này làm “tô điểm thêm” cho thông cáo báo chí sau chuyến thăm. Điều đó cũng có thể mang ý nghĩa rằng có thêm nhiều lĩnh vực hợp tác hơn trong mối quan hệ đối tác này. 
          

Sau một loạt diễn biến căng thẳng trong những năm gần đây, mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Australia–Trung Quốc mang lại rất ít kết quả ý nghĩa. Mối quan hệ ngoại giao hai nước đôi khi rất mong manh. Tuy nhiên, thật thú vị là ngay cả khi vào thời điểm quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh xuống mức thấp nhất dưới thời Chính phủ Liên đảng, Thủ tướng Morrison và các bộ trưởng cấp cao của Australia vẫn nhắc đến quan hệ Đối tác chiến lược giữa Australia và Trung Quốc, thậm chí ngay cả khi họ ở Washington.
          

Không hiểu Mỹ nghĩ như thế nào về cách đề cập tới mối quan hệ Australia–Trung Quốc này, nhưng đối với Canberra, có lẽ đó là cách để chỉ ra rằng tồn tại một ngưỡng “sàn” trong mối quan hệ với Trung Quốc. 
          

Australia không liên minh với quốc gia nào?
          

Australia chưa bao giờ liên minh chính thức với Anh. Từ cuối thế kỷ XIX, các thuộc địa của Anh – và sau này trở thành Australia – đã tìm cách tiếp cận nhiều hơn đối với quá trình ra quyết định ở London, chủ yếu vì họ cảm thấy các quan chức ở Cung điện Whitehall không nắm rõ tâm tư của Australia ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương. Tuy nhiên, động thái trên của Canberra chắc chắn đã bị chối bỏ, ngay cả khi các thủ tướng của Công đảng, John Curtin và Ben Chifley, tìm cách thành lập Hội đồng đế chế sau sự sụp đổ của “Pháo đài Singapore” năm 1942 trước quân phát xít Nhật nhằm mong muốn quan điểm của Australia được lắng nghe và xem xét trong hội đồng của các cường quốc thế giới. Có lẽ một lý do khiến Australia không có hiệp ước với Anh xuất phát từ quan điểm cho rằng “thủ tục” như vậy đối với London chưa bao giờ được coi là cần thiết.
          

Đáng chú ý, kiểu tư duy như vậy vẫn tồn tại cho đến đầu những năm 1990. Vào khoảng thời gian này, Ngoại trưởng của Công đảng khi đó là Gareth Evans đã viết: “Ảnh hưởng của Anh đối với Australia quá bao trùm đến mức Australia khó có thể áp dụng cách tiếp cận mới về chính sách đối ngoại đối với mối quan hệ đối tác của mình. Mối liên kết về lịch sử, họ hàng và văn hóa giữa Australia với Anh lan rộng đến mức mối quan hệ này dường như tồn tại tách biệt với các chính phủ liên bang và chính sách của họ”.
          

Mặc dù AUKUS được cho là dấu hiệu đánh dấu sự quay trở lại châu Á của “nước Anh toàn cầu” thời kỳ hậu Brexit, nhưng thực tế liên minh này có thể sẽ không thể hiện được nhiều trong bối cảnh nổ ra xung đột quân sự nghiêm trọng trong khu vực. 
          

Nếu xảy ra xung đột giữa hai “đối tác” của Australia, liên minh nào sẽ được ưu tiên?
          

Trong trường hợp xảy ra chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, gần như chắc chắn Hiệp ước ANZUS sẽ được viện dẫn. Dựa trên những cam kết an ninh của Australia, khó có thể tưởng tượng ra tình huống Australia vẫn đứng ngoài cuộc trước tình huống này.
          

Tháng 8/2004, Ngoại trưởng Australia khi đó là Alexander Downer đã gây ra một làn sóng phẫn nộ về mặt ngoại giao khi công khai tuyên bố ở Bắc Kinh rằng Hiệp ước ANZUS không nhất thiết yêu cầu Australia cam kết đứng về phía Mỹ trong cuộc chiến ở Đài Loan. Tuy nhiên, Thủ tướng Australia khi đó là John Howard đã nhanh chóng vào cuộc và cho rằng Australia không bình luận liên quan đến các giả thuyết.
          

Nếu xảy ra xung đột giữa hai quốc gia “đối tác” của Australia - chẳng hạn như Nhật Bản và Hàn Quốc, thực tế là nếu Australia không thể khéo léo tránh phải chọn bên thì mối quan hệ liên minh của Australia với Mỹ có thể sẽ quyết định Australia đứng về phía bên nào.
          

Liên minh nào của Australia tồn tại nhiều vấn đề nhất?
          

Trong khi Nhóm Bộ tứ - gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ - đang được kỳ vọng không chỉ trở thành hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo cấp cao mà còn đóng vai trò nòng cốt trong chính sách của  Mỹ với châu Á, nhóm này vẫn chưa trải qua phép thử nào.
          

Ví dụ, việc Ấn Độ từ chối lên án Nga tiến hành chiến dịch quân sự vào Ukraine cho thấy những giới hạn còn tồn tại đang thách thức tình đoàn kết của Nhóm Bộ tứ. Một tình huống bất ngờ ở Đài Loan có thể sẽ làm bộc lộ hạn chế này rõ hơn.
          

Liệu Ấn Độ có sẵn sàng tham gia một cách thiết thực trong trường hợp xảy ra các tình huống quân sự bất ngờ ở Tây Thái Bình Dương không? Đây có thể là chủ đề để đưa ra tranh luận. Hơn nữa, chủ nghĩa phi tự do của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày càng lên cao ở trong nước và chủ nghĩa dân tộc Hindu nổi lên gay gắt đang tạo ra nhiều vấn đề hơn cho các đối tác của Nhóm Bộ tứ. Cần nhớ rằng người sáng lập Nhóm Bộ tứ, cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ban đầu gọi nhóm này là “viên kim cương dân chủ”./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn Financial Review

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage