Thế giới nỗ lực tìm lối thoát cho vòng xoáy xung đột ở Dải Gaza

Thứ Hai, 14/07/2025

6:14 pm(VN)

-

9:14 pm(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Thế giới nỗ lực tìm lối thoát cho vòng xoáy xung đột ở Dải Gaza

26/10/2023

Trong bối cảnh xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas tại Palestine và Israel tiếp tục leo thang, cộng đồng quốc tế đã lên tiếng bày tỏ quan ngại, phản đối mọi hành động quân sự nhằm vào dân thường, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của giải pháp hai nước trong việc giải quyết cuộc xung đột hiện nay.  

 

* Kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức
 

Áp đặt một lệnh ngừng bắn toàn diện và ngay lập tức tại Dải Gaza là lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres trong phiên thảo luận mở về tình hình căng thẳng tại Israel và Dải Gaza của Hội đồng Bảo an LHQ ngày 24/10/2023. Cho rằng tình hình Trung Đông đang “nghiêm trọng hơn mỗi giờ, một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang hiện hữu, căng thẳng sục sôi”, Tổng thư ký Guterres nhấn mạnh sự cần thiết phải ngừng bắn để bảo vệ dân thường, cung cấp viện trợ dễ dàng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc trả tự do cho con tin. Ông khẳng định nền tảng thực tế duy nhất đối với hòa bình và ổn định ở Trung Đông đó là giải pháp hai nhà nước, phù hợp với các nghị quyết của LHQ, luật pháp quốc tế và các thỏa thuận liên quan.
 

Cao ủy LHQ về nhân quyền Volker Turk hôm 23/10 đã kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức tại Dải Gaza. Ông Turk nhấn mạnh, có quá nhiều dân thường từ cả hai phía đã bị cướp đi mạng sống do những hành động thù địch này, trong số đó nhiều nạn nhân là trẻ em. Tình hình bạo lực này sẽ không bao giờ chấm dứt, nếu các nhà lãnh đạo không đưa ra những lựa chọn dũng cảm và nhân đạo để đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người dân.
 

Về phía Mỹ, Ngoại trưởng nước này Antony Blinken cam kết phối hợp cùng cộng đồng quốc tế để tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột hiện nay, đồng thời nhấn mạnh chỉ có một con đường duy nhất mang lại hòa bình và an ninh bền vững ở Trung Đông đó là giải pháp hai nhà nước. 
 

Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, tái khởi động quá trình đàm phán về giải pháp hai nhà nước, trong đó có việc thành lập một Nhà nước Palestine chủ quyền, nằm trong đường biên giới năm 1967 với Đông Jerusalem là thủ đô, cùng tồn tại hòa bình và an ninh bên cạnh Israel.
 

Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên tới trụ sở Chính quyền Palestine (PA) ở Ramallah, Bờ Tây bị chiếm đóng nhằm bàn cách giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay - cũng kêu gọi khởi động tiến trình chính trị giữa Israel và Palestine, đồng thời nhấn mạnh giải pháp hai nhà nước có ý nghĩa then chốt nhằm giải quyết xung đột Trung Đông.
 

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Israel Eli Cohen và Ngoại trưởng Palestine Riad al-Maliki ngày 23/10, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết Trung Quốc quan ngại sâu sắc khi xung đột leo thang; lên án mọi hành động gây tổn hại cho dân thường; đồng thời khẳng định tất cả các quốc gia đều có quyền tự vệ, nhưng phải tuân thủ luật nhân đạo quốc tế. Bộ trưởng Vương Nghị nhấn mạnh, “giải pháp hai nhà nước” là sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế, Palestine và Israel nên nối lại các cuộc đàm phán hòa bình và hiện thực hóa sự chung sống hài hòa của các dân tộc Arab và Do Thái.

 

*Xung đột chưa hạ nhiệt 

 

Người phát ngôn quân đội Israel Daniel Hagari ngày 24/10 cho biết đã “sẵn sàng và quyết tâm” cho giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến và đang chờ chỉ thị chính trị. Ông Hagari cũng tuyên bố quân đội Israel đang chờ đợi nhiều tuần chiến đấu phía trước. Trước đó cùng ngày, báo The Times of Israel dẫn các nguồn tin cho biết giới lãnh đạo chính trị Israel có thể hủy kế hoạch tấn công trên bộ vào Dải Gaza hoặc dừng kế hoạch này ngay sau khi bắt đầu nếu lực lượng Hamas tiếp tục thả những người bắt giữ.
 

Quân đội Israel hôm 23/10 tuyên bố đã sử dụng xe thiết giáp tấn công cục bộ vào Dải Gaza, trong khi các chiến binh Hamas khẳng định đã đẩy lùi các cuộc đột kích của Israel. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) xác nhận các cuộc đột kích của thiết giáp và bộ binh diễn ra vào đêm 22/10 nhằm chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến, đồng thời cũng nhằm xác định vị trí và tìm kiếm những người bị phong trào Hamas cầm giữ kể từ khi xung đột nổ ra vào ngày 7/10, trước khi cuộc chiến bước sang giai đoạn tiếp theo.
 

Phía Israel cho hay trong 24 giờ qua đã tấn công hơn 320 mục tiêu ở Gaza, bao gồm một đường hầm của các chiến binh Hamas cũng như các trạm chỉ huy và trinh sát. Trong khi đó, Lữ đoàn Izz el-Deen al-Qassam, nhánh vũ trang của lực lượng Hamas, khẳng định các chiến binh Hamas đã giao tranh với lực lượng Israel tiến vào thành phố Khan Younis ở phía Nam Gaza.
 

Theo LHQ, xung đột giữa Hamas và Israel đã gây thương vong lớn cho dân thường cả hai bên, đặc biệt tại Dải Gaza đã có hơn 5.000 người thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em và phụ nữ. Phía Israel cũng đã có khoảng 1.400 người thiệt mạng. Tổng thư ký LHQ Guterres ngày 24/10 nhắc lại tuyên bố lên án các cuộc tấn công khủng bố ngày 7/10, đồng thời cho rằng khủng hoảng hiện nay xảy ra trong bối cảnh người dân Palestine đã trải qua 56 năm bị chiếm đóng, đất đai và nhà cửa bị tàn phá, nền kinh tế bị bóp nghẹt và hy vọng về một giải pháp chính trị đang cạn dần. Tổng thư ký LHQ kêu gọi tất cả các bên tôn trọng nghĩa vụ của mình theo luật nhân đạo quốc tế, bảo vệ dân thường và các công trình dân sự.
 

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 24/10 nhận định xung đột Hamas-Israel có thể giáng đòn “nghiêm trọng” đối với sự phát triển kinh tế toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh thế giới đang ở trong thời điểm “rất nguy hiểm”. 
 

Thực tế cho thấy tình trạng xung đột Hamas-Israel đã làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về khả năng xảy ra một cuộc xung đột kéo dài ở Trung Đông và tiềm ẩn rủi ro gây bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu. Nhiều chuyên gia cho rằng cuộc xung đột tại Trung Đông có thể tạo thêm các thách thức mới với kinh tế thế giới. Theo các nhà phân tích, tất cả các kịch bản xung đột đều có thể đẩy giá dầu tăng kỷ lục, lạm phát cao hơn và tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc. Trong trường hợp xấu nhất, giá dầu mỏ thế giới có thể tăng lên mức 150 USD/thùng. Lạm phát toàn cầu nhiều khả năng sẽ tăng lên 6,7% trong năm 2024, cao hơn nhiều so với dự báo hiện tại 5,8% của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).


Thoibaovietuc.com/Nguồn vnanet.vn

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage