Xung đột Israel-Hamas: Cuộc chiến dưới lòng đất ở Gaza

Thứ Ba, 15/07/2025

9:37 pm(VN)

-

12:37 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Xung đột Israel-Hamas: Cuộc chiến dưới lòng đất ở Gaza

23/10/2023

Theo trang The Economist: “Chỉ có Mỹ mới cứu được Israel và Gaza khỏi một thảm họa lớn hơn”, trong khi Iran, Nga và Trung Quốc đang thủ lợi nhờ tình hình hỗn loạn. Tình hình diễn biến quá nhanh.

 

Vụ nổ tại bệnh viện Ahli Arab ở Gaza tối 17/10 làm thiệt mạng nhiều người dân Palestine đang trú ẩn tại đây. Bất chấp những bằng chứng vững chắc cho thấy đó là do một rocket của phía Palestine bị trục trặc, các nước Arab vội vã lên án Israel. Những “cây cầu” được tỉ mỉ xây dựng giữa Israel và các láng giềng Arab đang sụp đổ.
        

15 giờ sau vụ nổ, Tổng thống Mỹ Joe Biden hạ cánh xuống Israel, trọng lượng của cả thế giới đè nặng lên vai một ông già. Trong nửa thế kỷ qua, Mỹ là quốc gia duy nhất có thể tái lập được trật tự tại đây, nhất là ở Iraq và Syria. Tử thần đang đe dọa Gaza, thuốc độc đã ngấm vào Thế giới Arab.
        

Nguy cơ trước mắt là ở mặt trận thứ hai, phía Bắc Israel. Hezbollah sẽ được khối Arab ủng hộ mạnh mẽ nếu tấn công Nhà nước Do Thái và nếu Israel nhận thấy chiến tranh là điều khó tránh khỏi, Mỹ đã điều hai tàu sân bay để răn đe Hezbollah và Iran.
        

Mối nguy thứ hai là quan hệ Israel-Arab có thể bị thụt lùi nhiều thập niên. Lẽ ra các lãnh đạo Arab cần kêu gọi bình tĩnh, mở điều tra độc lập về vụ nổ. Để tránh những vụ người Palestine làm chết hàng loạt người Palestine như vậy, phải nỗ lực giữ an toàn cho thường dân Gaza, và có một kế hoạch cho tương lai. Tuy nhiên, thay vào đó, là thù hận lại càng sâu sắc. Đã lỡ kết án nặng nề khó có thể rút lại. Họ tiếp tục đổ tội cho Israel. Jordan lập tức hủy bỏ một hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo khu vực khác đang là hy vọng lớn nhất cho ngoại giao. Ai Cập kiên quyết không cho người tị nạn tạm cư ở Sinai.
   

Hệ thống địa đạo: Thách thức lớn cho Israel tại Gaza
        

Trước mắt, việc Israel tấn công vào Gaza là không thể tránh khỏi. The Economist nhận định, hệ thống địa đạo của Hamas dưới lòng đất Gaza sẽ là chiến trường trọng điểm của Israel. Chiến tranh đô thị gồm 4 mảng: trên không ngày càng nhiều drone, các tòa nhà cao cung cấp tầm nhìn và nơi trú ẩn, mạng lưới đường sá chằng chịt và những đường hầm. Mảng thứ tư này là thách thức lớn nhất cho quân đội Israel.
        

Những đường hầm đầu tiên đào năm 1981 phục vụ buôn lậu, nhưng đến 2001 Hamas bắt đầu xây dựng mạng lưới địa đạo thực sự. Ban đầu nhằm vận chuyển súng, vật liệu từ Ai Cập nhưng sau đó dùng để liên lạc, không lệ thuộc vào mạng điện thoại của Gaza, làm kho vũ khí xâm nhập Israel và có thể trở thành bẫy rập khi Israel tiến vào.
   

Theo Rand Corporation, năm 2014, khoảng 900 người làm việc toàn thời gian để xây dựng mạng lưới đường hầm. Mỗi đường hầm mất thời gian 3 tháng với kinh phí 100.000 USD. Người ta cho rằng Iran và Triều Tiên đã cung cấp tiền và kỹ sư. Năm 2014, Tsahal (quân đội Israel) tung ra chiến dịch “Vành đai bảo vệ”, phá hủy được 32 đường hầm dài tổng cộng 100 kilomet, trong đó có 14 (đường hầm) lấn sang lãnh thổ Israel. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ trong số 1.300 đường hầm dài đến 500 kilomet, tức gấp 10 lần chiều dài Dải Gaza.
        

Việc tìm ra các địa đạo này vô cùng khó. Tsahal dùng các thiết bị nghe những tiếng động từ dưới đất, radar, dụng cụ phát hiện những chấn động như trong kỹ nghệ dầu mỏ, hay những lúc tín hiệu điện thoại Palestine biến mất. Nhưng nhiều đường hầm được tìm ra nhờ con người từ các nguồn tin tại Gaza và tuần tra phát hiện lối vào.
        

Bất lợi của một cuộc chiến dưới lòng đất
        

Và dù có tìm được, phá hủy địa đạo lại là chuyện khác. Không quân Israel đã thử thả bom có độ chính xác cao dọc theo đường hầm, nhưng một số không nổ đúng độ sâu cần thiết. Còn dùng chất nổ dạng gel “Emulsa” cần từ 9 tới 11 tấn cho mỗi địa đạo, như vậy bộ binh phải canh giữ lối vào trong một thời gian dài.
        

Những người lính cũng tránh chiến đấu trong các đường hầm, vì bẫy rập, tầm nhìn và liên lạc bị hạn chế hẳn so với trên mặt đất. Ngay cả những drone tinh vi cũng không nhìn thấy được dưới lòng đất, định vị GPS không sử dụng được.
        

Bóng tối hoàn toàn khiến kính hồng ngoại bất lực vì hoạt động theo nguyên tắc khuếch đại những tia sáng nhỏ. Không khí lạnh hơn, có thể đến âm 10°C và độc hại hơn. Tiếng súng vang lớn hơn trong không gian khép kín. Những kỹ thuật trước đây để phá địa đạo như Mỹ dùng hơi cay ở Việt Nam, Liên Xô dùng hóa chất ở Afghanistan, giờ đây có thể bị coi là bất hợp pháp.
        

Tsahal ngày càng dựa vào công nghệ, như cho robot đi trước để tránh bị phục kích, nhờ đó các binh sĩ bớt căng thẳng. Nhưng cũng có khi robot bị kẹt trong mê cung này. Tướng Herzi Halevi, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Israel, dự báo: “Tiến vào Gaza, nơi Hamas đã chuẩn bị kế hoạch sẵn, bị tấn công ở mọi nơi”. Việc xác định, dọn sạch và đánh sập hàng trăm cây số địa đạo phải mất nhiều năm trời, không thể tính theo tuần hoặc tháng.
        

Iran-Nga-Trung thủ lợi
        

Đây là thất bại đáng buồn về cách lãnh đạo. Hầu hết các chính phủ Arab lâu nay không ưa Hamas và ông chủ đứng sau là Iran. Những nước như Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Saudi Arabia cần sự ổn định và quan hệ tốt đẹp với Israel. Tuy vậy, họ ngần ngại, không dám trắc nghiệm sự giận dữ của người dân khi nói ự thật về nguồn gốc quả rocket, nên đã chọn lựa việc phá hoại lợi ích lâu dài của nhân dân.
        

Đối với Iran, đó là một chiến thắng. Trong nhiều năm qua, Tehran đã tài trợ, vũ trang và huấn luyện cho Hamas, Hezbollah... với kỳ vọng bạo lực và hỗn loạn sẽ nhằm làm suy yếu Israel và làm mất uy tín các chính quyền Arab. Nếu quan hệ giữa Mỹ và Thế giới Arab rạn nứt, Iran sẽ hân hoan xây dựng nền móng cho sự thống trị khu vực.  
        

Nga và Trung Quốc cũng thủ lợi. Tại các nước phương Nam, có xu hướng cho rằng câu chuyện phức tạp này chỉ là người Palestine bị đàn áp, người Do Thái thống trị. Moskva và Bắc Kinh lợi dụng để đả kích Mỹ đạo đức giả về nhân quyền và tội ác chiến tranh, rêu rao rằng Washington đã kích động cuộc chiến ở Ukraine.
        

Tương tự, Le Monde cuối tuần nhận định Iran liên tục đe dọa Israel, nhưng lại lo sợ xung đột sẽ lan rộng. Thổi hơi quá nhiều vào đám cháy, phải chăng có nguy cơ bị phỏng nếu gió xoay chiều? Còn Moskva coi đây là cơ hội bằng vàng để phương Tây xao lãng cuộc chiến ở Ukraine, giảm hỗ trợ cho Kiev.
        

Những “kẻ ngốc hữu dụng” của Hamas
        

L’Express chỉ trích không ít trí thức: nhà chính trị học, xã hội học, luật sư, chính khách…từ chối coi Hamas là “tổ chức khủng bố” cho dù 1.400 người Israel đã bị thảm sát. Thậm chí còn biện hộ cho vụ tấn công của Hamas “chống lại kẻ chiếm đóng là hợp pháp”, hay so sánh với kháng chiến quân Pháp thời chống phát-xít Đức.
        

Giáo sư Bernard Haykel của Đại học Princeton cho biết: “Tôi không thể hiểu tại sao không cực lực lên án Hamas. Nhất là hành xử với ý tưởng Hồi giáo cực đoan, bài Do Thái, khác xa những phong trào dân tộc như Phong trào Giải phóng Palestine (PLO)”.
        

Trên Le Point, nhà sử học Pierre-André Taguieff tố cáo việc Hồi giáo hóa công cuộc đấu tranh của người Palestine và tầm cỡ quá đáng của việc chống Israel. Ông coi đây là “tả khuynh Hồi giáo hóa của những kẻ ngu ngốc”, “thuốc phiện mới của trí thức”. 
        

Trách nhiệm của báo chí khi vội vàng theo đuôi Hamas trong vụ nổ ở một bệnh viện ở Dải Gaza cũng được nêu ra. Giáo sư Yascha Mounk của Đại học Johns Hopkins bất bình: “Làm thế nào các cơ quan truyền thông lớn lại có thể lầm lẫn đến thế ?”.
        

Tiêu diệt Hamas: Cơ hội duy nhất cho hòa bình
        

Le Point nhấn mạnh rằng “Muốn có hòa bình, phải bắt đầu bằng việc trừ khử Hamas”. Cần chấm dứt hành xử kiểu như là một sáng đẹp trời Tsahal bỗng quyết định giải trí bằng cách oanh tạc Gaza. Cuộc chiến bị áp đặt bởi một vụ khủng bố dã man chưa từng thấy kể từ khi Israel lập quốc. Hình ảnh một trẻ em Palestine bị thương vì bom cũng đáng thương như một em bé Israel bị sát hại, hành hạ.
        

Chính Hamas phải hoàn toàn chịu trách nhiệm không chỉ về cái chết của 1.400 người Do Thái ngày 7/10, mà cả 4.000 người Palestine bị thiệt mạng ở Dải Gaza và số lượng sẽ còn tăng lên vì Hamas chỉ coi họ là bia đỡ đạn. Khi Israel ra thời hạn 24 giờ và sau đó lại gia hạn 24 giờ nữa cho cư dân Gaza để sơ tán khỏi các tòa nhà mà Hamas đặt sở chỉ huy, kho vũ khí, giàn phóng tên lửa. Quân khủng bố đắc chí vì đó là một trong những quân đội hiếm hoi trên thế giới phải tuân theo nghĩa vụ đạo đức, nhưng nguy hiểm về quân sự, phải cảnh báo trước khi oanh kích.
        

Những kẻ vô lại không cho người dân ra đi và đe dọa sẽ không có ngày về vì người Do Thái sẽ chiếm. Cần nhắc lại rằng Israel đã rút khỏi Dải Gaza từ 18 năm qua, không có thủ tướng Israel nào muốn quay lại. Nếu thực sự lo cho số phận phụ nữ, trẻ em, người già, người bệnh, Ai Cập phải mở cửa biên giới, cho lập hành lang nhân đạo, để các tổ chức phi chính phủ đưa bệnh viện dã chiến vào Gaza. Cần chấm dứt việc coi Hamas - kẻ đã vạch kế hoạch cho cơn ác mộng này - là nguồn hy vọng của người dân Palestine.  Tác giả nhấn mạnh, Hamas chỉ là một tổ chức khủng bố, bắt con tin, liên kết với một “quốc tế khủng bố”, đó là thực tế. Tiêu diệt Hamas là cơ hội duy nhất để một ngày nào đó tìm lại con đường hòa bình./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn economist.com, RFI, vna

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage