Bình luận: Đảm bảo an ninh năng lượng là ưu tiên chiến lược của Australia

Thứ Ba, 15/07/2025

4:07 am(VN)

-

7:07 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Bình luận: Đảm bảo an ninh năng lượng là ưu tiên chiến lược của Australia

05/02/2023

Theo ông Tim Close - sĩ quan hậu cần thuộc Lực lượng Không quân Hoàng gia Australia, cựu Giám đốc kiêm Kế toán trưởng của công ty tư vấn tài chính Close Financial Group – bày tỏ quan điểm cho rằng Australia cần đầu tư hơn nữa cho an ninh năng lượng.

 

10 năm trước, Thiếu tướng John Blackburn - cựu quan chức Không quân Hoàng gia Australia - đã công bố một nghiên cứu mang tính bước ngoặt, trong đó phơi bày tình trạng dễ bị tổn thương của Australia trong vấn đề an ninh nhiên liệu lỏng. Nghiên cứu nhấn mạnh hệ thống giao thông quốc gia phụ thuộc hoàn toàn vào nhiên liệu từ dầu mỏ, đồng thời năng lực lọc dầu trong nước ngày càng hạn chế và suy giảm.

 

Nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng Australia - với tư cách là quốc gia sản xuất năng lượng lớn thứ 9 thế giới - đang phụ thuộc vào việc nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ thô và tinh chế. Năng lượng vẫn đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với tiềm năng quân sự quốc gia Australia, tương tự như những gì Báo cáo cập nhật chiến lược quốc phòng 2020 đã xác định, đó là cần phải nâng cao năng lực dự trữ năng lượng tại các căn cứ và cơ sở quân sự của Lực lượng Quốc phòng Australia.

 

Australia đã gây dựng nên một nền kinh tế giàu có và thịnh vượng nhờ hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hóa. Australia đã tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào của mình để xây dựng nền kinh tế thông qua các mối quan hệ thương mại mang về nhiều lợi nhuận với các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới. Nếu Australia có điều kiện mua hàng ở nước ngoài rẻ hơn, Australia sẽ mua. Trước tác động bởi động lực thị trường, hầu hết các nhà máy lọc dầu nội địa của Australia đã ngừng hoạt động, và lượng hàng nhập khẩu từ Singapore và các quốc gia khác đang chiếm 90% lượng tiêu thụ của Australia – đến mức các nguồn hàng dự trữ tức thời của Australia hiện nằm trên các tàu chở dầu trên đường đến Australia. Thật vậy, an ninh năng lượng rõ ràng có thể trở thành "gót chân Achilles" của Australia.

 

Căn cứ vào nhu cầu trong nước và mức độ sử dụng hiện tại, Australia có đủ nhiên liệu cho khoảng 68 ngày, mặc dù đối với một số loại nhiên liệu cụ thể thì sẽ ít hơn. Nếu xảy ra cú sốc nguồn cung, cho dù là do hiện tượng thời tiết bất thường, tình trạng bất ổn chính trị hay mối đe dọa quân sự trực tiếp, mức độ tiêu thụ năng lượng có thể đột ngột tăng. Theo một cuộc khảo sát gần đây do Quốc hội Australia tiến hành, tình trạng gián đoạn tuyến đường vận tải biển được coi là một thách thức về phản ứng chiến thuật cần được giải quyết bằng việc bố trí nguồn cung thay thế, đây không phải là vấn đề suy giảm năng lực phòng thủ.

 

Những nhà quan sát theo dõi cuộc xung đột ở Ukraine chắc chắn đã nhấn mạnh sự mong manh của chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu. Một cuộc xung đột ở châu Á-Thái Bình Dương sẽ gây ra tác động tàn phá đối với nguồn cung nhiên liệu và ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực nội địa và quốc phòng của Australia. Quy mô của vấn đề này đòi hỏi một sự thay đổi mang tính mô hình trong tư duy về quản lý nguồn cung năng lượng, chi tiêu chính phủ và an ninh quốc gia.

 

Do vậy, bao nhiêu nhiên liệu thì đủ? Thật khó để trả lời, và không có câu trả lời rõ ràng nào về lượng nhiên liệu mà Australia cần để duy trì ngành công nghiệp trong nước song song với các hoạt động quân sự tăng cường. Luật An ninh năng lượng 2021 đã tập hợp một số sáng kiến, trong đó có việc tăng cường kho chứa dầu diesel của Australia, nâng cấp các nhà máy lọc dầu và khuyến khích phát triển nhiên liệu hàng không và nhiên liệu sinh học bền vững. Đây là bước đi tích cực, nhưng rốt cuộc những bước đi này chỉ là giải pháp tạm thời trước nguy cơ dễ bị tổn thương một cách hệ thống.

 

Điểm mấu chốt là Australia cần đầu tư nhiều hơn cho an ninh năng lượng. Mỹ gần đây đã bắt đầu xây dựng một cơ sở dự trữ nhiên liệu hàng không với sức chứa 300 triệu lít, trị giá 270 triệu AUD (190,7 triệu USD), cho Lực lượng không quân Mỹ ở Darwin (Vùng lãnh thổ Bắc Australia). Với Mỹ, "đồng tiền đi liền khúc ruột", và Australia có thể sẽ "lép vế" trong việc sở hữu nguồn cung nhiên liệu từ các cơ sở mới này.

 

Đầu tư nhiều hơn trong nước đòi hỏi mô hình chuỗi cung ứng mạnh mẽ và trung thực, nhằm xác định mức độ giảm thiểu rủi ro chiến lược ở mức chấp nhận được. Trong bối cảnh kinh tế vẫn đang trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19, các vụ cháy rừng và lũ lụt dẫn tới áp lực đè lên ngân sách liên bang là rất lớn. Đối với Lực lượng Quốc phòng và Bộ Quốc phòng Australia, căng thẳng chiến lược gia tăng, yêu cầu ứng phó trong nước, thách thức trong việc giữ chân nhân sự và phạm vi năng lực ngày càng mở rộng dẫn đến môi trường cho các hoạt động quân sự ngày càng linh hoạt và đầy thách thức. Bất kỳ sự kêu gọi gia tăng chi tiêu nào sẽ đi kèm với sự đánh đổi khó thể tránh khỏi.

 

Australia dường như đang sở hữu nền tảng không cân bằng với các biện pháp đảm bảo an ninh nhiên liệu. Chẳng hạn, cuộc tập trận Pitch Black là cuộc tập trận đa quốc gia quy mô lớn quan trọng nhất mà Australia tổ chức. Cuộc tập trận có sự phối hợp giữa các đơn vị thuộc lực lượng quốc phòng từ 16 nước, diễn tập hàng trăm nhiệm vụ. Cuộc diễn tập trình diễn dưới dạng mô phỏng hoặc thực tế hoàng loạt các mối đe dọa có thể xuất hiện trong môi trường chiến đấu hiện đại, và là cơ hội để kiểm chứng và tăng cường khả năng phối hợp của Lực lượng quốc phòng Australia, nhưng lại phản ánh sự thiếu sót và vấn đề tồn tại trong nguồn cung năng lượng, làm cản trở năng lực phòng thủ trong suốt cuộc tập trận.

 

Hạn chế trong an ninh năng lượng tác động trực tiếp đến hành động và hiệu quả năng lực phòng thủ. Đảm bảo an ninh năng lượng một cách thận trọng giúp tối ưu hóa hiệu quả của kho vũ khí phòng thủ tầm trung của Australia, để các kho vũ khí này không trở thành những món đồ trưng bày đắt tiền. Điều này đúng với tất cả tiềm năng quốc phòng hiện nay, hay tiềm năng đang được phát triển và tiềm năng trong tương lai.

 

Sự thay đổi mô hình triệt để là cần lấy một phần hạng mục chi tiêu quốc phòng đã được lập ngân sách – chẳng hạn như các dự án mua sắm và nâng cao năng lực quốc phòng, và phân bổ các nguồn vốn này cho các dự án đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và quốc phòng. Phần còn lại chắc chắn sẽ được đưa ra xem xét kỹ lưỡng và trở thành chủ đề của các cuộc tranh luận chính trị.

 

Tuy nhiên, với mục tiêu của lập luận này, ông Tim Close - tác giả bài viết - đề xuất phân bổ 10% một cách linh hoạt. Nếu Australia xem xét khoản chi 16,76 tỷ AUD được phân bổ cho các chương trình của Bộ Quốc phòng trong ngân sách năm tài khóa 2022-2023, thì khoản phân bổ cho an ninh năng lượng là 1,68 tỷ AUD. Số tiền này nên đầu tư vào các dự án nhằm tăng cường an ninh năng lượng của Australia, trong đó có việc mở rộng và làm sâu sắc thêm các sáng kiến hiện nay.

 

Để có được sự cân bằng giữa tính hiệu quả của năng lực phòng thủ với ngân sách dự án đã bị cắt giảm, đòi hỏi một tư duy linh hoạt, sáng tạo. Mô hình tự chủ không chỉ thúc đẩy đầu tư quy mô lớn vào các giải pháp an ninh năng lượng, mà còn thúc đẩy đổi mới và tư duy sáng tạo trong các dự án tiềm năng quốc phòng.

 

Đảm bảo an ninh năng lượng là giải pháp cho các vấn đề mà Australia đang phải đối mặt. Những chính sách và sáng kiến hiện nay đang đặt ra bước đi đúng hướng, nhưng cần có sự thay đổi về mô hình một cách triệt để gần như ngay từ đầu để đảm bảo an ninh năng lượng. Bất kể thách thức tương lai nào mà Australia có thể đối mặt, việc đảm bảo chuỗi cung ứng nhiên liệu ổn định và tự cung tự cấp đều đáng được quan tâm và đầu tư, vì thịnh vượng và lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn vnanet.vn

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage