THỜI BÁO VIỆT - ÚC
Gắn kết - Hội nhập - Phát triển
Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi gặp nhau tại Johannesburg tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15. Sức nặng kinh tế và chính trị của liên minh này ngày càng trở nên quan trọng và nhiều quốc gia phương Nam (quốc gia đang phát triển) muốn tham gia liên minh khi trật tự đơn cực do Washington lãnh đạo đang rạn nứt tứ tung. Nhưng những thách thức vẫn rất lớn đối với các nước phương Nam…
Năm 2003, các quan chức cấp cao của Brazil, Ấn Độ và Nam Phi đã gặp nhau ở Mexico để thảo luận về lợi ích của họ trong lĩnh vực buôn bán các dược phẩm. Ấn Độ đã và vẫn luôn là một trong những quốc gia sản xuất nhiều loại dược phẩm lớn nhất thế giới, bao gồm cả những loại dùng để điều trị HIV/AIDS; trong khi cả Brazil và Nam Phi đều cần các loại thuốc giá rẻ cho bệnh nhân HIV cũng như cho nhiều loại bệnh khác có thể điều trị được. Tuy nhiên, ba nước này không thể dễ dàng giao thương với nhau do luật sở hữu trí tuệ nghiêm ngặt do Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ban hành. Vài tháng trước cuộc gặp trên, ba nước đã thành lập một nhóm, được gọi là IBSA, để thảo luận và làm rõ các vấn đề về thương mại và sở hữu trí tuệ. Mục tiêu cũng là chất vấn các quốc gia phương Bắc (quốc gia phát triển) về những yêu cầu bất cân xứng của họ khiến các quốc gia nghèo nhất ngừng các trợ cấp nông nghiệp. Khái niệm hợp tác Nam-Nam là khuôn khổ của cuộc thảo luận này.
Mối quan tâm về hợp tác Nam-Nam bắt đầu từ những năm 1940, khi Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc triển khai chương trình trợ giúp kỹ thuật đầu tiên nhằm hỗ trợ thương mại giữa các quốc gia hậu thuộc địa mới thành lập ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh. Sáu thập kỷ sau, khi IBSA được thành lập, tinh thần này đã được kỷ niệm bằng Ngày hợp tác Nam-Nam của Liên hợp quốc, vào ngày 19/12/2004. Vào thời điểm này, Liên hợp quốc cũng thành lập Cơ quan đặc biệt về hợp tác Nam-Nam (10 năm sau, vào năm 2013, tổ chức này được đổi tên thành Văn phòng Hợp tác Nam-Nam của Liên hợp quốc), hoạt động dựa trên thỏa thuận năm 1988 về Hệ thống ưu đãi thương mại toàn cầu giữa các quốc gia đang phát triển. Năm 2023, cơ chế này bao gồm 42 quốc gia thành viên từ châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh, nơi có tổng cộng 4 tỷ người và thị trường trị giá 16.000 tỷ USD (chiếm khoảng 20% lượng hàng hóa nhập khẩu toàn cầu). Cần lưu ý rằng chương trình dài hơi này nhằm tăng cường thương mại giữa các quốc gia phương Nam đã tạo nên tiền đề cho BRICS, tổ chức được thành lập vào năm 2009. Hiện nay, BRICS bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Về tổng thể, dự án BRICS luôn xoay quanh một câu hỏi trung tâm: liệu các quốc gia ở đáy của hệ thống tân thuộc địa có thể thoát khỏi hệ thống này thông qua thương mại và hợp tác với nhau hay không? Hay các nước lớn – bao gồm cả các nước trong BRICS – sẽ tiếp tục hưởng lợi từ sự bất cân xứng về quyền lực và quy mô so với các nước nhỏ hơn, và tiếp tục tạo ra thêm thay vì xóa bỏ những bất bình đẳng? Học thuyết của chủ nghĩa Marx về sự phụ thuộc khiến người ta hoài nghi về mọi dự án tư bản của phương Nam khi họ tin rằng họ có thể tự giải thoát khỏi hệ thống tân thuộc địa bằng cách nhập khẩu nợ và xuất khẩu hàng hóa giá rẻ. Bất chấp những hạn chế của dự án BRICS, rõ ràng là sự gia tăng thương mại Nam-Nam và sự phát triển của các thể chế phương Nam (ví dụ như việc đầu tư tài chính cho phát triển) đặt lại vấn đề đối với hệ thống tân thuộc địa, ngay cả khi chúng không giải quyết được ngay lập tức. Tại Viện nghiên cứu xã hội Tricontinental, người ta đã và sẽ luôn theo dõi chặt chẽ những bước phát triển cũng như những mâu thuẫn của BRICS kể từ khi thành lập.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 diễn ra từ ngày 22 - 24/8/2023 tại Johannesburg, Nam Phi có thể làm nên lịch sử. Nguyên thủ các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi sẽ gặp nhau lần đầu tiên kể từ Hội nghị thượng đỉnh năm 2019 tại Brasilia, Brazil. Cuộc họp này diễn ra 18 tháng sau khi nổ ra cuộc xung đột quân sự ở Ukraine, sự kiện này không chỉ làm gia tăng căng thẳng đến mức chưa từng thấy giữa các cường quốc phương Tây do Mỹ dẫn đầu với Nga kể từ Chiến tranh Lạnh, mà còn nhấn mạnh những khác biệt giữa phương Bắc và phương Bắc của hành tinh.
Thông qua Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hệ thống tài chính quốc tế, việc kiểm soát các luồng thông tin (trong các mạng truyền thông xã hội và truyền thống) và thông qua việc thực hiện mù quáng các biện pháp trừng phạt đơn phương chống lại ngày càng nhiều quốc gia, Washington và Brussels đã áp đặt một trật tự quốc tế đơn cực đối với phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, trật tự này ngày càng bị rạn nứt. Như Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres tuyên bố mới đây rằng “thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh đã kết thúc. Một quá trình chuyển đổi đang diễn ra hướng tới một trật tự thế giới mới”.
Trong bối cảnh toàn cầu này, ba trong số những cuộc tranh luận quan trọng nhất diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh Johannesburg là: (1) Khả năng mở rộng thành viên của BRICS, (2) Việc mở rộng thành viên của Ngân hàng Phát triển mới - NDB và (3 ) Vai trò của NDB trong tạo ra các lựa chọn thay thế cho việc sử dụng đồng USD. Theo Anil Sooklal, Đại sứ Nam Phi tại BRICS, 22 quốc gia đã chính thức nộp đơn xin gia nhập nhóm (bao gồm Saudi Arabia, Argentina, Algeria, Mexico và Indonesia) và hơn 20 quốc gia khác bày tỏ sự quan tâm. Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua, BRICS ngày nay được coi là động lực chính trong nền kinh tế toàn cầu nói chung và cho sự phát triển kinh tế ở Nam bán cầu nói riêng.
BRICS ngày nay
Giữa thập kỷ trước, BRICS gặp phải nhiều vấn đề. Với việc Narendra Modi đắc cử Thủ tướng Ấn Độ (2014) và cuộc đảo chính chống lại Tổng thống Dilma Rousseff ở Brazil (2016), hai quốc gia thành viên này được lãnh đạo bởi các chính phủ cánh hữu rất thân cận với Washington. Sự vắng mặt trên thực tế của Brazil, vốn ngay từ đầu là một trong những động lực chính của BRICS, là một tổn thất nghiêm trọng cho sự thống nhất trong nhóm. Những diễn biến này đã làm xói mòn và cản trở sự phát triển của NDB và Thỏa thuận Dự trữ dự phòng (CRA), được thiết lập vào năm 2015 - đại diện cho thành tựu lớn nhất về mặt thể chế của BRICS cho đến nay. Mặc dù NDB đã có một số tiến bộ nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu ban đầu. Đến nay, ngân hàng này đã phê duyệt khoản tài trợ trị giá khoảng 32,8 tỷ USD (số tiền thực tế được phát hành ra ít hơn con số trên), trong khi CRA - sở hữu quỹ 100 tỷ USD để giúp các quốc gia bị thiếu USD trong dự trữ quốc tế và những quốc gia phải đối mặt với cán cân thanh toán trong ngắn hạn hoặc chịu áp lực về thanh khoản – lại chưa bao giờ được kích hoạt.
Tuy nhiên, những bước tiến trong những năm gần đây đã tiếp thêm sinh lực cho dự án BRICS. Các quyết định của Moskva và Bắc Kinh nhằm đối phó với sự leo thang gây hấn trong Chiến tranh Lạnh mới của Washington và Brussels, việc Luiz Inácio Lula da Silva trở lại vị trí Tổng thống Brazil vào năm 2022 và việc bổ nhiệm Dilma Rousseff vào chức vụ Chủ tịch NDB, cùng với sự tách xa tương đối, ở các mức độ khác nhau, của Ấn Độ và Nam Phi đối với các cường quốc phương Tây đã tạo ra một “cơn bão hoàn hảo”, dường như điều này đã tái lập sự đoàn kết chính trị trong BRICS (bất chấp những căng thẳng chưa được giải quyết giữa Ấn Độ và Trung Quốc). Thêm vào đó là sức nặng ngày càng tăng của BRICS trong nền kinh tế toàn cầu và việc đẩy mạnh liên kết kinh tế giữa các thành viên. Năm 2020, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của BRICS tính theo sức mua tương đương chiếm 31,5% tỷ trọng toàn cầu – vượt qua Nhóm G7 với 30,7% – và khoảng cách này dự kiến sẽ ngày càng gia tăng. Thương mại song phương giữa các nước BRICS cũng tăng trưởng mạnh: hằng năm, Brazil và Trung Quốc đều phá kỷ lục, năm 2022 đạt 150 tỷ USD; xuất khẩu của Nga sang Ấn Độ tăng gấp 3 lần từ tháng 4 đến tháng 12/2022 so với cùng kỳ năm trước, lên 32,8 tỷ USD; trong khi thương mại giữa Trung Quốc và Nga đã tăng từ 147 tỷ USD năm 2021 lên 190 tỷ USD vào năm 2022, tăng gần 30%.
Đâu là thách thức của Hội nghị Johannesburg?
Đối mặt với tình hình quốc tế nhiều biến động và nhu cầu mở rộng ngày càng tăng, BRICS phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn:
- Ngoài việc đưa ra câu trả lời cụ thể cho các ứng viên muốn gia nhập, việc mở rộng BRICS có khả năng làm tăng sức ảnh hưởng về chính trị và kinh tế của nhóm, và trước mắt củng cố các nền tảng khu vực khác mà các thành viên của BRICS tham gia. Tuy nhiên, việc mở rộng cũng đòi hỏi phải quyết định về hình thức cụ thể đối với việc gia nhập và điều này có thể khiến việc tìm kiếm một sự đồng thuận thêm phức tạp, với nguy cơ làm chậm bước tiến của các sáng kiến và các quyết định. Làm thế nào để giải quyết những vấn đề này?
- Làm thế nào để tăng cường năng lực tài chính của NDB, cũng như sự phối hợp của NDB với các ngân hàng phát triển khác của phương Nam và các ngân hàng đa phương khác? Và trước hết, làm thế nào NDB có thể hợp tác với mạng lưới các tổ chức tư vấn của BRICS để thúc đẩy xây dựng chính sách phát triển mới cho phương Nam?
- Do các quốc gia thành viên BRICS có các dự trữ quốc tế mạnh (Nam Phi ít hơn một chút), nên họ có thể không cần sử dụng đến NDB. Ngược lại, quỹ này có thể cung cấp cho các quốc gia có nhu cầu một giải pháp thay thế cho sự ép buộc chính trị của Quỹ Tiền tệ quốc tế, vốn yêu cầu các nước đang phát triển chấp nhận các biện pháp thắt lưng buộc bụng rất khắc khổ để đổi lấy các khoản cho vay.
- BRICS đang thảo luận về việc tạo ra một loại tiền dự trữ cho phép bỏ qua đồng USD trong thương mại và đầu tư. Nếu loại tiền này được tạo ra, nó có thể là một bước tiến xa hơn trong nỗ lực tạo ra các giải pháp thay thế đồng USD, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi. Làm thế nào để đảm bảo sự ổn định của một loại tiền dự trữ như vậy? Làm thế nào để nó phù hợp với các cơ chế thương mại mới được tạo ra không sử dụng đồng USD, chẳng hạn như các hiệp định song phương Trung Quốc-Nga, Trung Quốc-Brazil, Nga-Ấn Độ và với các nước khác?
- Làm thế nào để sự hợp tác và chuyển giao công nghệ có thể hỗ trợ quá trình tái công nghiệp hóa của các quốc gia như Brazil và Nam Phi, đặc biệt là trong các lĩnh vực chiến lược như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo, đồng thời chống lại nghèo đói và bất bình đẳng cũng như đáp ứng các nhu cầu cơ bản khác của người dân phương Nam?
Lãnh đạo đại diện 71 nước phương Nam được mời tham dự cuộc họp ở Johannesburg. Các nhà lãnh đạo của 4 nước thành viên và Dilma Rousseff còn nhiều việc phải làm để giải quyết những vấn đề này và đạt được tiến bộ trong các vấn đề cấp bách của sự phát triển toàn cầu.
Viện Nghiên cứu Xã hội Tricontinental sẽ tiếp tục theo dõi những bước phát triển của BRICS, dù không hề tin rằng dự án BRICS là sự cứu tinh cho nhân loại cũng như không tin vào sự hoài nghi bác bỏ thể chế này như thể nó không có gì mới mẻ. Lịch sử là sự biến đổi, không phải bởi sự thuần khiết mà bởi những mâu thuẫn của nhân loại./.
Thoibaovietuc.com/Nguồn investigaction.net
Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved