THỜI BÁO VIỆT - ÚC
Gắn kết - Hội nhập - Phát triển
Sự hiện diện ngày càng tăng của Mỹ và Trung Quốc gần biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) làm dấy lên lo ngại trong tâm trí các nước ASEAN vì đây có thể là dấu hiệu của một cuộc xung đột tiềm ẩn trong khu vực.
Đông Nam Á ngày càng trở thành nơi diễn ra cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc vì khu vực này nằm trong Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn. Một số học giả cho rằng “Đông Nam Á hiện là nơi thử nghiệm cho sự phát triển của Trung Quốc với tư cách cường quốc và là cửa ngõ cho nước này bành trướng ra toàn cầu trong tương lai”.
Một mặt, Trung Quốc vẫn đang phân phát lợi ích kinh tế như một phần của Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) và hợp tác với các nước Đông Nam Á để đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) nhằm xoa dịu tình hình ở vùng biển này. Mặt khác, Trung Quốc vẫn đang thực hiện các hành động quyết đoán ở những khu vực tranh chấp thuộc biển Nam Trung Hoa, với trường hợp gần đây nhất là việc Philippines cáo buộc tàu hải cảnh Trung Quốc bắn vòi rồng vào một tàu Philippines đang chở thực phẩm, nước uống, nhiên liệu và các mặt hàng khác cho lực lượng Philippines đóng quân tại bãi Cỏ Mây.
Phản ứng trước sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, Mỹ đang cố gắng xây dựng lại quan hệ với các nước đồng minh trong khu vực như Philippines để lấy lại tầm ảnh hưởng của mình. Các cuộc thăm dò gần đây do các tổ chức tư vấn chiến lược như Viện Lowy và Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore thực hiện cho thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc phần lớn gây bất lợi cho Mỹ, vốn đang chứng kiến tầm ảnh hưởng của mình suy giảm nhanh chóng tại một trong những khu vực cạnh tranh quan trọng nhất giữa Bắc Kinh và Washington. Cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc này đã đặt Đông Nam Á vào thế khó. Mặc dù phản ứng chung của các nước là không muốn rơi vào tình thế phải chọn bên, nhưng phản ứng riêng của mỗi nước lại không giống nhau ở mọi khía cạnh và khác nhau tùy thuộc vào lợi ích từng quốc gia, nhận thức về mối đe dọa, cơ hội kinh tế, vị trí địa lý và các yếu tố khác. Bài viết này sẽ đưa ra một số trường hợp gần đây để nhấn mạnh rằng cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung chỉ đang gia tăng trong khu vực, đồng thời phân tích phản ứng của các nước Đông Nam Á và mối lo ngại của ASEAN với tư cách là một khối trong khu vực.
Cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng leo thang
Mặc dù đã tồn tại ở khu vực Đông Nam Á từ lâu, nhưng giờ đây sự cạnh tranh giữa các cường quốc đang dần trở thành vấn đề đáng quan tâm vì nó dẫn đến quá trình quân sự hóa khu vực một cách nhanh chóng. Từ lâu, truyền thông Mỹ đã đưa tin về khả năng Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự ở Campuchia. Nhưng giờ đây, các bức ảnh vệ tinh từ Maxar Technologies cho thấy sự biến đổi mạnh mẽ đang diễn ra ở căn cứ hải quân Campuchia, tức căn cứ hải quân Ream gần Sihanoukville trên vịnh Thái Lan. Đã có báo cáo cho rằng căn cứ này có thể trở thành tiền đồn thứ hai của Trung Quốc ở nước ngoài sau khi nước này xây dựng căn cứ ở Djibouti ở Đông Phi, vào năm 2017. Hình ảnh vệ tinh được công bố vào tháng 6/2023 cho thấy một số tòa nhà, con đường và bến tàu mới được xây dựng lớn hơn nhiều so với kích thước ban đầu của căn cứ. Báo cáo của Chatham House chỉ ra rằng Chính phủ Campuchia trước đây đã giao cho Trung Quốc khu đất rộng 157 ha để xây dựng công trình phòng không, cơ sở chỉ huy chung và một trạm radar hải quân gần căn cứ. Các phương tiện truyền thông Campuchia cũng được cho là đã đưa tin về các kế hoạch trong tương lai như kế hoạch xây dựng cơ sở lưu trữ mới, bệnh viện, xưởng cạn và bờ trượt tại Ream. Mặt khác, Chính phủ Campuchia đã nhiều lần nhấn mạnh Hiến pháp nước này không cho phép bất kỳ quốc gia nào khác xây dựng căn cứ quân sự, đồng thời khẳng định các công trình trên chỉ là một trong nhiều dự án phát triển cơ sở hạ tầng ở Campuchia được Trung Quốc đầu tư. Trung Quốc cũng đầu tư phát triển sân bay quốc tế Siem Reap-Angkor. Theo báo cáo, quá trình xây dựng đã hoàn thành 86%; các hoạt động bay thí điểm đã diễn ra vào tháng 6/2023 và các hoạt động bay chính thức sẽ diễn ra vào tháng 10/2023.
Mặt khác, Mỹ đang tăng cường quan hệ đối tác an ninh với Philippines – đồng minh hiệp ước của Mỹ trong khu vực. Tháng 2/2023, Philippines và Mỹ đã khôi phục Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA). Theo đó, Mỹ có quyền tiếp cận tổng cộng 9 căn cứ quân sự của Philippines, bao gồm 4 căn cứ bổ sung được xác định hồi tháng 4/2023. Những căn cứ này nằm gần Đài Loan và biển Nam Trung Hoa. Mỹ cũng lên tiếng chỉ trích Trung Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột nhỏ với các quốc gia có chủ quyền khác như Philippines hay Việt Nam ở biển Nam Trung Hoa.
Phản ứng trong khu vực
Phản ứng của các nước Đông Nam Á rất đa dạng. Mặc dù một số nước như Việt Nam hay Indonesia lo ngại về sự hiếu chiến của Trung Quốc, nhưng hai nước cũng đồng thời hưởng lợi từ cả Mỹ và Trung Quốc. Indonesia vẫn có mong muốn và nhu cầu thu hút đầu tư từ Trung Quốc để phát triển cơ sở hạ tầng trong nước. Trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 7/2023, Tổng thống Indonesia Jokowi đã thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về một số chương trình nghị sự ưu tiên trong lĩnh vực đầu tư hoặc các dự án chiến lược khác nhau giữa Indonesia và Trung Quốc, cùng các lĩnh vực thương mại, y tế và các vấn đề trong khu vực cũng như toàn cầu. Ngoài ra, Tổng thống Indonesia cũng có cuộc gặp với các doanh nhân và chủ doanh nghiệp Trung Quốc để thảo luận về triển vọng đầu tư của Trung Quốc vào Indonesia. Sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tháng 7/2023, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi tuyên bố: “Trung Quốc phải là đối tác đáng tin cậy của ASEAN trong việc xây dựng cấu trúc khu vực cởi mở và bao trùm. Chỉ khi đó các bên mới có thể hợp tác cùng có lợi, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Bà cũng cho rằng cần có sự hỗ trợ của Trung Quốc trong việc triển khai Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Diễn đàn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dự kiến được tổ chức vào tháng 9/2023.
Ngay cả khi Mỹ cố gắng hết sức gây dựng lại tầm ảnh hưởng đã mất trong khu vực, đây vẫn là nhiệm vụ khó khăn vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN và ngược lại. Thương mại hai bên đã đạt 975 tỷ USD. Trung Quốc cũng là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ tư của ASEAN. Ký ức về việc Mỹ rút khỏi các hiệp định thương mại quan trọng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vẫn còn nguyên vẹn. Mặc dù Chính quyền Biden đã đưa ra Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) để giải quyết vấn đề bất thường này, nhưng hình thức tiếp cận thị trường của các nước châu Á cũng như lợi ích mà khuôn khổ này mang lại cho các nước ASEAN vẫn chưa rõ ràng. Nếu Mỹ muốn khôi phục tầm ảnh hưởng đã mất trong khu vực, thì nước này cần đưa ra các sáng kiến chính sách thực sự mang lại lợi ích cho khu vực, chứ không phải chỉ xuất hiện như một cơ chế để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Mối lo ngại của ASEAN
Quá trình đàm phán COC, như nhiều người nói, luôn diễn ra một cách tẻ nhạt và chậm chạp, nhưng tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN được tổ chức tại Jakarta hồi tháng 7/2023, ASEAN và Trung Quốc đã thống nhất về các hướng dẫn nhằm đẩy nhanh đàm phán về COC ở biển Nam Trung Hoa. Mục đích của các hướng dẫn này là đẩy nhanh quá trình đàm phán. Những hướng dẫn này được thông qua trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị. Mặc dù chi tiết hướng dẫn chưa được công khai, nhưng về cơ bản đây là dấu hiệu cho thấy vòng đọc thứ hai dự thảo COC đã được hoàn tất. Nhưng vẫn có người lo ngại rằng những diễn biến này có thể làm chậm hơn nữa quá trình đàm phán COC, mà theo các nước thành viên ASEAN có lẽ là cách duy nhất khả thi để giải quyết cuộc xung đột này trong tương lai.
Điều cần lưu ý là cả căn cứ Ream lẫn các căn cứ được phân bổ cho Mỹ theo EDCA đều nằm gần các khu vực tranh chấp ở biển Nam Trung Hoa. Điều này đã làm dấy lên lo ngại trong tâm trí các quốc gia Đông Nam Á khác về việc liệu những diễn biến này có phải là dấu hiệu của một cuộc xung đột tiềm ẩn ở biển Nam Trung Hoa trong tương lai gần hay không. Nếu xung đột xảy ra, thì ngoài việc xung đột ảnh hưởng đến an ninh khu vực, câu hỏi được đặt ra là: Làm thế nào để thực thi luật biển? Đặc biệt khi Mỹ không phải là một bên ký kết UNCLOS, Trung Quốc luôn hành động bất chấp luật pháp quốc tế và từng diễn giải UNCLOS để hợp pháp hóa các hành động và nhu cầu của họ. Đây là mối lo ngại hiện tại của ASEAN. Đôi khi, việc ASEAN không có lập trường vững chắc về các vấn đề như sự cạnh tranh giữa các cường quốc cho thấy khối này đang bị rạn nứt, nhưng thực tế vẫn là việc chọn con đường trung đạo trong những tình huống như vậy sẽ giúp họ duy trì sự yên bình của khu vực và gặt hái nhiều lợi ích./.
Thoibaovietuc.com/Nguồn orfonline.org
Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved