Cuộc chiến tài nguyên ở Biển Đông: Không chỉ về nguyên liệu hóa thạch

Thứ Năm, 22/05/2025

7:46 am(VN)

-

10:46 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Cuộc chiến tài nguyên ở Biển Đông: Không chỉ về nguyên liệu hóa thạch

20/09/2023

Mặc dù có diện tích rộng lớn 3,5 triệu km2, song Biển Hoa Nam (Biển Đông) hiện đã trở thành một mô hình thu nhỏ của những căng thẳng địa chính trị giữa Đông và Tây - nơi các cuộc tranh giành lãnh thổ vì nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào một ngày nào đó có thể dẫn đến chiến tranh và phá hủy môi trường.
          

Trong khi mối đe dọa về một cuộc xung đột quân sự tàn khốc giữa Trung Quốc và Mỹ trong khu vực vẫn còn hiện hữu, thì Biển Đông đã phải chịu những thiệt hại không thể khắc phục được. Chẳng hạn, hàng thập kỷ khai thác quá mức đã gây tác động tai hại đối với các loài cá từng phát triển mạnh ở vùng biển này. Quần thể cá ngừ, cá thu và cá mập đã giảm tới 50% so với của thập niên 1960. Các rạn san hô quan trọng về mặt sinh học, đang vật lộn để tồn tại khi nhiệt độ đại dương tăng cao, cũng đang bị chôn vùi dưới cát và phù sa khi quân đội Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và xây dựng trên quần đảo Trường Sa đang tranh chấp, một quần đảo gồm 14 đảo nhỏ và 113 rạn san hô ở vùng biển đó.
          

Có lẽ không ai ngạc nhiên vì trữ lượng dầu khí rất dồi dào ở Biển Đông. Chính phủ Mỹ ước tính rằng 11 tỷ thùng dầu và 190.000 tỷ feet khối khí đốt tự nhiên đã sẵn sàng được khai thác từ đáy Biển Đông. Một số người tin rằng trữ lượng nhiên liệu hóa thạch như vậy đang thúc đẩy tình trạng hỗn loạn ngày càng nhấn chìm khu vực này.
          

Năm nay, Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) có trụ sở tại Washington, báo cáo rằng một số quốc gia đang theo đuổi các dự án phát triển dầu khí mới ở các vùng biển tranh chấp mà tổ chức này lưu ý rằng có thể trở thành “điểm nóng trong các tranh chấp”. Từ năm 2018-2021, đã xảy ra nhiều xung đột giữa Trung Quốc, Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác về hoạt động khoan dầu ở đó, và ngày càng có nhiều lo ngại rằng những cuộc đối đầu thậm chí còn gay gắt hơn đang ở phía trước. Tất nhiên, Mỹ đổ lỗi tất cả những điều này cho Trung Quốc, cho rằng các dự án cải tạo đảo hung hãn của nước này vi phạm luật pháp quốc tế và “quân sự hóa một khu vực vốn đã căng thẳng và đang có tranh chấp”.
          

Câu hỏi cần cân nhắc là có phải tất cả những cuộc tranh cãi quốc tế này chỉ liên quan đến nhiên liệu hóa thạch? Các tuyến thương mại qua khu vực này cũng rất quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc, trong khi nghề cá của nước này chiếm 15% tổng sản lượng đánh bắt cá tự nhiên toàn cầu. Tuy nhiên, cả các tuyến đường vận chuyển được sử dụng tốt, cần thiết đối với dòng hàng hóa trên toàn cầu, cũng như các nghề cá đó đều không giải thích đầy đủ cho cuộc tranh cãi ngày càng gia tăng trong khu vực. Sau hàng thập kỷ khai thác ngư nghiệp ở Biển Đông, Trung Quốc hiện đang trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về nuôi cá, chiếm 72% sản lượng cá nội địa của cả nước. Ngày càng đúng là nhiên liệu hóa thạch có thời hạn sử dụng rõ ràng. Nhưng liệu có khả năng một nguồn tài nguyên thiên nhiên khác, được cho là quan trọng hơn đối với tương lai kinh tế của các siêu cường toàn cầu, có thể làm gia tăng thêm tranh chấp về lãnh thổ xung quanh việc ai sở hữu hàng hóa ở Biển Đông?
          

Khai thác biển sâu
          

Có thể gọi đây là một cuộc đua ở đáy đại dương, với Trung Quốc dẫn đầu. Vào tháng 12/2022, Trung Quốc đã công bố Tàu khoan đại dương - một tàu khai thác biển sâu (DSM) có kích thước bằng một tàu tuần dương chiến đấu, dự kiến sẽ hoạt động vào năm 2024. Tuy nhiên, thay vì mang vũ khí, con tàu này được trang bị thiết bị có khả năng khoan ở độ sâu 32.000 feet. Trên đất liền, người Trung Quốc gần như nắm độc quyền về các kim loại được coi là quan trọng đối với sự phát triển năng lượng “xanh”, bao gồm coban, đồng và lithi. Hiện tại, Trung Quốc kiểm soát 60% nguồn cung kim loại “xanh” như vậy của thế giới và hiện cũng đang để mắt tới nguồn tài nguyên dồi dào dưới đáy đại dương. Theo một số ước tính, đáy biển trên thế giới có thể chứa lượng nguyên tố đất hiếm cao gấp 1.000 lần so với những nguyên tố trong lòng đất.
          

Thật khó để tin rằng việc tàn phá độ sâu của đại dương để tìm kiếm khoáng chất cho pin điện và các công nghệ khác có thể mang lại giải pháp bền vững để chống lại biến đổi khí hậu. Rốt cuộc, trong quá trình đó, việc khai thác dưới biển như vậy có thể gây ra tác động thảm khốc, bao gồm cả phá hủy đa dạng sinh học. Hiện tại, không thể đánh giá mức độ thiệt hại do các hoạt động như vậy gây ra, vì hoạt động khai thác dưới biển sâu được miễn đánh giá tác động môi trường. 
          

Tiến sĩ Andrew Chin, cố vấn khoa học của Tổ chức Save Our Seas có trụ sở tại Australia, cho biết: “Chúng ta mới chỉ hiểu được phần đầu về đại dương sâu thẳm. Khoa học mới bắt đầu đánh giá cao rằng biển sâu không phải là khoảng trống rỗng mà tràn ngập những dạng sống tuyệt vời và độc đáo. Các hệ sinh thái ở biển sâu tạo thành một lĩnh vực liên kết với vùng nước giữa và nước bề mặt thông qua sự chuyển động của các loài, dòng năng lượng và dòng chảy. Hoạt động khai thác các mỏ đa kim ở biển sâu không chỉ dẫn đến việc mất đi các loài này và làm hỏng đáy biển sâu trong hàng nghìn năm mà còn có khả năng gây ra hậu quả tiêu cực cho phần còn lại của đại dương và những người sống dựa vào đại dương”.
          

Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, Biển Đông có trữ lượng lớn kim loại quý “có tầm quan trọng chiến lược”. Trung Quốc đã và đang tích cực tìm kiếm các mỏ đa kim chứa một số kim loại được sử dụng trong hầu hết các công nghệ xanh.
          

Không có gì đáng ngạc nhiên, Mỹ, tụt hậu so với Trung Quốc trong việc mua khoáng sản phục vụ công nghệ xanh, đã theo dõi chặt chẽ sự cạnh tranh. Năm 2017, một máy bay do thám P3-Orion của Hải quân Mỹ đã nhiều lần bay qua một tàu nghiên cứu của Trung Quốc gần đảo Guam. Các nhà khoa học trên tàu được cho là đã lập bản đồ khu vực và lắp đặt các thiết bị giám sát cho hoạt động thám hiểm biển sâu trong tương lai.
          

Câu chuyện cũng tương tự ở Biển Đông, nơi Mỹ đã tiến hành nhiều hoạt động giám sát để theo dõi các hoạt động của Trung Quốc ở đó. Vào tháng 5, một máy bay giám sát RC-135 của Không quân Mỹ đã bị máy bay chiến đấu phản lực J-16 của Trung Quốc chặn lại, gây náo động quốc tế. Không đưa ra bất kỳ lời biện minh nào cho lý do tại sao ngay từ đầu máy bay do thám của Mỹ lại có mặt ở đó, Ngoại trưởng Anthony Blinken đã nhanh chóng chỉ tay vào sự liều lĩnh của Trung Quốc: “Phi công Trung Quốc đã có hành động nguy hiểm khi tiếp cận máy bay rất, rất gần. Đã có một loạt hành động này không chỉ nhắm vào chúng tôi mà còn nhắm vào các quốc gia khác trong những tháng gần đây.”
          

Mặc dù những cuộc tranh cãi này chắc chắn có liên quan nhiều đến việc kiểm soát nhiên liệu hóa thạch, nhưng dầu và khí đốt tự nhiên không phải là nguồn tài nguyên duy nhất trong khu vực có ý nghĩa sống còn đối với hoạt động khai thác sắp tới của cả hai nước.
          

Chủ nghĩa tư bản và khí hậu
          

Trên toàn cầu, dầu và than đá đang ngày càng trở thành chuyện dĩ vãng. Một báo cáo do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố vào tháng 6/2023 cho thấy năng lượng tái tạo “sẽ tăng vọt thêm 107 gigawatt (GW), mức tăng tuyệt đối lớn nhất từ trước đến nay, lên hơn 440 GW vào năm 2023”. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên cung cấp cho sự gia tăng năng lượng tái tạo toàn cầu này, như đồng và lithi, đang trở thành phiên bản mới phổ biến của nhiên liệu hóa thạch. Các thị trường đang ủng hộ việc loại bỏ dần các nguồn năng lượng làm khí hậu nóng lên, đó là lý do tại sao Trung Quốc và Mỹ đang tiến hành khai thác các khoáng sản quan trọng để sản xuất năng lượng tái tạo - không phải vì họ quan tâm đến tương lai của hành tinh mà vì năng lượng xanh đang mang lại lợi nhuận.
          

Giống như nhiều đối thủ cạnh tranh toàn cầu, nền kinh tế Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch thải nhiều carbon, đặc biệt là than đá, nhưng phần lớn danh mục năng lượng của nước này là năng lượng tái tạo. Sản xuất thép và sản xuất ô tô hiện chiếm 66% mức sử dụng năng lượng của Trung Quốc, giao thông vận tải là 9% và sử dụng dân dụng là 13%. Trung Quốc tiêu thụ nhiều than đá hơn phần còn lại của thế giới cộng lại, song quốc gia này cũng đã trở thành nước dẫn đầu thế giới về năng lượng tái tạo, đầu tư khoảng 545 tỷ USD vào công nghệ mới chỉ riêng trong năm 2022.
          

Trong khi Trung Quốc sử dụng nhiều năng lượng hơn bất kỳ quốc gia nào khác, thì người Mỹ tiêu thụ nhiều hơn đáng kể gấp hai lần so với người Trung Quốc trên cơ sở cá nhân (73.677 kilowatt so với 28.072 kilowatt, tính đến thời điểm này của năm 2023). Và trong khi Mỹ sử dụng nhiều năng lượng hơn tính theo đầu người, thì nước này cũng nhận được ít năng lượng hơn từ năng lượng tái tạo. Tính đến năm 2022, chính phủ Mỹ ước tính chỉ có 13,1% năng lượng cơ bản của nước này được sản xuất thông qua các nguồn tái tạo. Mặc dù vậy, quá trình chuyển đổi năng lượng ở Mỹ vẫn đang diễn ra và trong khi khí đốt tự nhiên đã thay thế phần lớn than đá, năng lượng tái tạo đang có những bước tiến đáng kể. Trên thực tế, Đạo luật Giảm lạm phát, được Tổng thống Biden ký thành luật vào đầu năm 2022, đã dành 430 tỷ USD đầu tư của chính phủ và tín dụng thuế để phát triển năng lượng xanh.
          

Diễn đàn Kinh tế Thế giới ước tính rằng sẽ cần 3 tỷ tấn kim loại và khoáng chất tinh khiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng của thế giới nếu các nước muốn đạt được mức phát thải carbon dioxide bằng 0 vào năm 2050 - và con số đó chắc chắn sẽ chỉ tăng lên trong những thập kỷ tới. Tất nhiên, các nhà đầu tư thích kiếm tiền và sự bùng nổ sắp tới trong hoạt động khai thác kim loại xanh trên đất liền và vùng biển trên thế giới chắc chắn sẽ là một vận may bất ngờ cho Phố Wall và các ngành tương đương trên toàn cầu. Theo tổ chức nghiên cứu BloombergNEF (BNEF), bao gồm các thị trường toàn cầu, tuyên bố rằng nhu cầu về kim loại và khoáng chất quan trọng phục vụ cho quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ tăng ít nhất gấp 5 lần trong 30 năm tới, mang lại cơ hội trị giá 10.000 tỷ USD. Ông Yuchen Huo, nhà phân tích khai thác mỏ của BNEF, cho biết: “Sự chuyển đổi năng lượng có thể dẫn đến một siêu chu kỳ cho ngành công nghiệp khai thác mỏ và kim loại. Chu kỳ này sẽ được thúc đẩy bởi sự mở rộng mạnh mẽ của công nghệ năng lượng sạch, điều này sẽ thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu đối với cả khoáng sản quan trọng và kim loại truyền thống”.
          

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các quốc gia như Trung Quốc và Mỹ có thể sẽ phải tranh đấu để giành quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn vốn đóng vai trò quan trọng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng của thế giới. Chủ nghĩa tư bản phụ thuộc vào việc này. Từ châu Phi đến Biển Đông, các quốc gia đang lùng sục khắp thế giới những dự án năng lượng mới mang lại lợi nhuận. Ở Thái Bình Dương, nơi bao phủ 30% bề mặt Trái đất, việc săn lùng các kim loại này đang thúc đẩy chính quyền các đảo mở cửa vùng biển của họ để khai thác đáng kể. Quần đảo Cook đã cấp giấy phép để khám phá độ sâu của đại dương gần đó. Kiribati, Nauru và Tonga đã tài trợ cho các sứ mệnh điều tra trữ lượng ở Vùng Clarion Clipperton, khu vực rộng 1,7 triệu dặm vuông trải dài giữa đảo Kiribati và Mexico.
          

Theo những người muốn tìm phương cách để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, những kim loại và khoáng chất được săn đón nhiều như vậy sẽ vẫn rất quan trọng trong việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm trên thế giới, song chúng ta sẽ phải trả bằng một giá rất đắt không chỉ về mặt địa chính trị mà cả về mặt môi trường. Và có lẽ không nơi nào sẽ cảm nhận được những tác động tàn khốc như vậy là các đại dương mong manh của thế giới, bao gồm cả Biển Đông - nơi các cường quốc vũ trang lớn đã phải đối mặt với cả tổn thất như vậy, trong khi những tổn thất khác vẫn cần được khám phá./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn counterpunch.org

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage