Điều gì chờ đợi Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nếu Trump tái đắc cử

Thứ Hai, 14/07/2025

5:56 pm(VN)

-

8:56 pm(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Điều gì chờ đợi Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nếu Trump tái đắc cử

03/10/2023

Cựu Tổng thống Donald Trump không xuất hiện trên sân khấu trong cuộc tranh luận đầu tiên của đảng Cộng hòa vào ngày 23/8, nhưng chắc chắn ông được cả các đối thủ cạnh tranh cũng như đối tác và đồng minh của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chú ý. Nếu việc Trump lên nắm quyền nhiệm kỳ thứ hai trở thành hiện thực, người ta có thể coi nhiệm kỳ đầu như điềm báo về những gì sắp xảy ra.

 

Trên toàn bộ dải địa chính trị, từ chủ nghĩa đa phương đến thương mại và an ninh, việc Trump tái đắc cử sẽ mở cửa cho sự trở lại của chính sách ngoại giao mang tính giao dịch “Nước Mỹ trên hết”, làm suy yếu vai trò lãnh đạo và mục tiêu chính sách đối ngoại của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Từ việc ủng hộ những nhà độc tài và chuyên quyền đến nói xấu đồng minh và đối tác, thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc về kinh tế, lặp lại cách tiếp cận ngoại giao lộn xộn và không nhất quán, Trump có khả năng làm suy yếu và gây bất ổn cho các mối quan hệ đối tác và liên minh của Mỹ trên toàn khu vực.


Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, từ Hawaii đến Ấn Độ Dương, đã được toàn bộ giới chính trị Mỹ công nhận là một trong những khu vực quan trọng nhất đối với lợi ích an ninh, ngoại giao và kinh tế của Mỹ. Khu vực này dự kiến đóng góp 2/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong tương lai, chiếm hơn một nửa dân số thế giới và có tầng lớp trung lưu đang gia tăng, đồng thời là nơi có nhiều đồng minh và đối tác lâu đời của Mỹ. Như đã nhấn mạnh trong nhiều chiến lược và văn bản của chính phủ, Mỹ có lợi ích lâu dài trong việc đảm bảo rằng khu vực này “tự do và rộng mở, kết nối, thịnh vượng, an toàn và kiên cường”.


Trump coi các liên minh và quan hệ đối tác của Mỹ là tiêu cực, hạ thấp lịch sử, giá trị, lợi ích và quan điểm chung xuống thành các giao dịch đơn giản, thể hiện cách tiếp cận "Gần đây bạn đã làm gì cho tôi?". Ngay cả chiến lược của Trump đối với Trung Quốc cũng hầu như không đề cập gì đến mối quan hệ ràng buộc giữa Mỹ và các đối tác. “Cách tiếp cận chiến lược đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” của Chính quyền Trump, được công bố năm 2020, hầu như không đề cập đến những giá trị chung với các nền dân chủ khác hay việc duy trì trật tự quốc tế tự do và chỉ tập trung vào việc thúc đẩy những lợi ích đơn phương của Mỹ. Quả thực, có những điểm tương đồng giữa Tổng thống Trump và Biden trong chiến lược với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, từ việc tập trung vào “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP) đến quan điểm đối đầu hơn với Trung Quốc, bao gồm cả việc gia hạn thuế quan thương mại của Trump và mong muốn mở rộng sự can dự của Mỹ với các quốc gia ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Tuy nhiên, những điểm tương đồng bị lu mờ bởi khác biệt trong thái độ, cách tiếp cận và cách thực hiện.


Sai lầm trong quản lý liên minh


Chính sách ngoại giao mang tính giao dịch của Trump gây ra rủi ro lớn đối với những kết quả đã được ghi nhận mà Chính quyền Biden đạt được trong việc trấn an và củng cố các liên minh và quan hệ đối tác của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Có thể lấy ví dụ minh họa trong mối quan hệ Mỹ-Nhật và Mỹ-Hàn. Trong nhiệm kỳ của mình, Trump chỉ trích cả Nhật Bản và Hàn Quốc, 2 trong số những đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở khu vực, là “kẻ ăn bám”, yêu cầu từng nước đóng góp nhiều tiền hơn. Đặc biệt đáng lo ngại là việc ông đe dọa rút quân Mỹ nếu nhu cầu tài chính không được đáp ứng. Năm 2019, khi Hàn Quốc và Mỹ tìm cách đàm phán thỏa thuận chia sẻ chi phí cho việc Mỹ đóng quân trên bán đảo Triều Tiên, Trump đã tìm cách bắt nạt Seoul bằng cách nâng số tiền Hàn Quốc phải đóng từ 923 triệu USD lên 5 tỷ USD mỗi năm, hơn gấp 5 lần so với những năm trước. Tối hậu thư của vị cựu tổng thống này đã làm dấy lên làn sóng phản đối kịch liệt ở Hàn Quốc khi chiến thuật của Trump bị coi như là sự phản bội. Cũng trong năm đó, Trump thử cách tiếp cận tương tự với Nhật Bản, yêu cầu Tokyo chấp nhận việc tăng 300% khoản thanh toán hằng năm cho quân đội Mỹ đồn trú, đưa chi phí này tăng từ 2 tỷ USD lên 8 tỷ USD mỗi năm. Trong khi Trump cho rằng hai đồng minh là những quốc gia giàu có nên phải chịu gánh nặng chi phí lớn hơn, ông lại phớt lờ tầm quan trọng của cấu trúc liên minh này đối với lợi ích lâu dài ở khu vực và an ninh quốc gia của Mỹ, đồng thời biến nó thành một giao dịch tiền tệ đơn giản và vô lý.


Bất chấp sự hỗn loạn Nhật Bản và Hàn Quốc phải chịu dưới thời Trump, Chính quyền Biden không chỉ hoàn tất thỏa thuận chia sẻ chi phí với cả hai nước vào năm 2021 mà còn thiết lập hiệp ước an ninh ba bên mang tính lịch sử vào tháng 8/2023. Mặc dù vẫn còn khoảng 1 năm nữa mới diễn ra bầu cử, nhưng khả năng Trump có nhiệm kỳ thứ hai đã như đám mây đen phủ lên hội nghị thượng đỉnh ở Trại David. Để củng cố mối quan hệ đặc biệt giữa Mỹ và hai đồng minh quan trọng ở Đông Á, các nhà lãnh đạo đã nhận ra và tìm cách thể chế hóa hiệp ước này trong trường hợp xảy ra khả năng đó với việc Biden nhận xét rằng mục tiêu là “đặt ra một cấu trúc lâu bền cho mối quan hệ sẽ tồn tại lâu dài”.


Chủ nghĩa đa phương hỗn loạn


Mặc dù đặt nền móng cho việc tái nổi lên của Đối thoại An ninh bốn bên (Bộ tứ) với Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, nhưng chính sách “Nước Mỹ trên hết” và cách tiếp cận ngoại giao thiếu nhất quán của Trump đã đe dọa làm nhóm này tê liệt trước khi mọi thứ bắt đầu. Trong những ngày đầu của Bộ tứ 2.0, cựu Ngoại trưởng Pompeo đe dọa “ngắt kết nối” và cắt đứt quan hệ đối tác Ngũ Nhãn với Australia vì một thỏa thuận Sáng kiến Vành đai và Con đường vốn chưa bao giờ thành hiện thực, trong khi Trump phát động một cuộc chiến thương mại nhỏ với Ấn Độ bằng cách tăng thuế đối với hàng hóa Ấn Độ.


Ngoài những tranh cãi song phương, việc thiếu khéo léo và không đánh giá cao tầm quan trọng của việc đưa ra thông điệp mạch lạc và việc liên kết điều đó với các đối tác Bộ tứ cũng được thể hiện rõ trong các cuộc gặp đầu tiên. Chính quyền Trump liên tục nhấn mạnh việc biến nhóm này thành một sáng kiến “chống Trung Quốc”, khiến các thành viên khác cảm thấy thất vọng. Trong cuộc họp bộ trưởng ngoại giao tháng 10/2020 tại Tokyo, Pompeo tuyên bố quan hệ đối tác Bộ tứ chỉ nhằm mục đích chống Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong khi những người đồng cấp khác định hình nhóm này theo những điều khoản rộng hơn nhiều và không tập trung vào bất kỳ quốc gia nào. Dưới thời Biden, Bộ tứ được cải tổ để không chỉ là một hàng rào chống lại Trung Quốc và đưa ra chương trình nghị sự đầy tham vọng từ biến đổi khí hậu đến phát triển cơ sở hạ tầng nhằm tìm cách hỗ trợ các đối tác và đồng minh trong khu vực bằng cách đưa ra giải pháp khả thi thay thế cho việc phụ thuộc quá nhiều vào Bắc Kinh.


Chắc chắn Biden có một số sai sót trong thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, như quyết định bỏ qua Hội nghị cấp cao Đông Á 2023 và Hội nghị cấp cao Mỹ-ASEAN cũng như rút ngắn chuyến đi tới Australia và Papua New Guinea hồi tháng 5/2023. Điều này làm dấy lên nhận thức rằng Mỹ không cam kết với khu vực. Bỏ qua những điểm không tốt, Chính quyền Biden cơ bản đã thành công trong việc tăng cường can dự và quan hệ với các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hai năm qua đã chứng kiến việc chính thức hóa Bộ tứ, hiệp ước an ninh ba bên đã được nói ở trên, nâng tầm quan hệ Mỹ-ASEAN và Mỹ-Việt lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, và thông báo gần đây rằng Mỹ và Indonesia cũng có thể nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.


Chủ nghĩa biệt lập “Nước Mỹ trên hết”


Chủ nghĩa dân tộc về kinh tế của Trump thể hiện rõ ngay từ ngày đầu tiên nhậm chức, khi ông rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với tư cách là trung tâm trong chính sách kinh tế của Chính quyền Trump, những dấu hiệu cảnh báo rằng ông sẽ chỉ tăng cường chương trình nghị sự kinh tế mang tính dân tộc chủ nghĩa trong nhiệm kỳ thứ hai đã xuất hiện. Việc từ bỏ TPP đã gây ra phản ứng ở khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Việc này làm giảm uy tín của Mỹ khi các đối tác mất niềm tin rằng Mỹ có thể dẫn dắt quan hệ thương mại quốc tế, đặc biệt là khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Trung Quốc và các đối tác đối thoại của ASEAN triển khai Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Tâm lý này ngày càng gia tăng khi Chính quyền Mỹ không đưa ra đường hướng cho hợp tác kinh tế, tìm cách sử dụng vấn đề an ninh quốc gia và các công cụ thương mại khác để tăng thuế, ảnh hưởng đến các đối tác quan trọng, như Nhật Bản và Ấn Độ, đồng thời tiến hành cuộc điều tra 301 đối với Việt Nam. Trong những tuần gần đây, Trump và cựu đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết sẽ đặt ra mức thuế tự động 10% đối với tất cả các nước, tạo ra “thòng lọng quanh cổ” nền kinh tế Mỹ. Adam Posen, Chủ tịch Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, coi kế hoạch này là “điên rồ” và “kinh hoàng”, trong khi các chuyên gia khác cảnh báo rằng điều này có thể gây ra một cuộc chiến thương mại quốc tế.


Chiến thuật theo chủ nghĩa biệt lập này không chỉ được dùng trong lĩnh vực thương mại mà còn trong vấn đề khí hậu khi Trump rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu được coi là một trong những thách thức cấp bách nhất mà các đối tác trong khu vực đang phải đối mặt, quyết định của Trump khiến các đồng minh và đối tác thất vọng. Không có Mỹ, các quốc gia đang phát triển rơi vào tình trạng khó khăn khi không có sự hỗ trợ ngoại giao và tài chính từ Mỹ trong việc thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.


Di sản lâu dài của Tổng thống Trump là tổn hại mà ông gây ra cho uy tín của Mỹ ở khu vực. Vào cuối nhiệm kỳ của ông, gần như không còn đồng minh và đối tác nào của Mỹ nghĩ rằng có thể tin cậy Trump. Cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew nhấn mạnh sự e ngại này - chỉ 18% người Australia, 25% người Nhật, 17% người Hàn Quốc và 30% người Indonesia tin rằng Trump có thể làm điều đúng đắn trong các vấn đề thế giới. Từ thương mại đến việc duy trì các liên minh và đối tác, Tổng thống Trump đã chứng minh vị thế của Mỹ với tư cách là một cường quốc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mong manh như thế nào sau nhiều thập kỷ chăm chỉ làm việc của vô số Chính quyền Mỹ, cả Dân chủ lẫn Cộng hòa. Nếu Trump chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử năm 2024 và nếu nhiệm kỳ đầu của ông cho thấy những gì khu vực có thể dự đoán trong nhiệm kỳ thứ hai, hãy cẩn thận vì mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn 9dashline.com

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage