Mỹ cảnh báo về chiến dịch tung tin giả của Trung Quốc trên toàn cầu

Thứ Hai, 14/07/2025

6:08 pm(VN)

-

9:08 pm(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Mỹ cảnh báo về chiến dịch tung tin giả của Trung Quốc trên toàn cầu

06/10/2023

Đối với phần lớn thế giới, khu vực Tân Cương của Trung Quốc nổi tiếng là nơi mà những người dân tộc Duy Ngô Nhĩ phải đối mặt với nạn cưỡng bức lao động và giam giữ tùy tiện. Nhưng một nhóm các nhà báo nước ngoài đến thăm khu vực này đã rời đi với một ấn tượng hoàn toàn khác.


Trong chuyến thăm được Bắc Kinh tài trợ vào cuối tháng 9 vừa qua, 22 nhà báo từ 17 quốc gia đã đến thăm các khu chợ và trò chuyện với người dân nơi đây. Sau đó, họ đã nói với truyền thông nhà nước Trung Quốc rằng họ vô cùng ấn tượng với nền kinh tế nhộn nhịp và mô tả khu vực này “đa dạng về văn hóa, tôn giáo và sắc tộc” và tố cáo những gì mà họ cho là những lời nói dối của truyền thông phương Tây. Chuyến đi là một ví dụ về những gì Washington coi là những nỗ lực ngày càng lớn của Bắc Kinh trong việc tái định hướng quan điểm toàn cầu về Trung Quốc, quốc gia đã chi hàng tỷ USD mỗi năm để làm việc đó.


Trong một báo cáo chưa từng có tiền lệ, Bộ Ngoại giao Mỹ vào tuần trước đã phơi bày các chiến thuật và kỹ thuật của Bắc Kinh nhằm định hướng dư luận, chẳng hạn như mua nội dung, tạo ra các nhân vật giả mạo để truyền bá thông điệp của mình và sử dụng biện pháp đàn áp để loại bỏ các tài khoản có thể gây bất lợi cho họ.

 

Trung tâm phối hợp toàn cầu, cơ quan của Bộ Ngoại giao được giao nhiệm vụ chống tuyên truyền và thông tin sai lệch của nước ngoài, đã công bố báo cáo dài 58 trang, cảnh báo rằng chiến dịch thông tin của Bắc Kinh cuối cùng có thể ảnh hưởng đến cách đưa ra các quyết định trên khắp thế giới và làm suy yếu lợi ích của Mỹ.


Jamie Rubin, người đứng đầu trung tâm, cho biết: “Nếu không được kiểm soát, việc thao túng thông tin của chính phủ Trung Quốc có thể giảm bớt quyền tự do bày tỏ quan điểm chỉ trích Bắc Kinh ở nhiều nơi trên thế giới”. Ông cho rằng những nỗ lực của Bắc Kinh có thể “thay đổi bối cảnh thông tin toàn cầu và gây tổn hại đến an ninh và ổn định của Mỹ cũng như đồng minh và đối tác của Mỹ”. Ông nói: “Chúng tôi không muốn thấy sự pha trộn giữa thực tế và hư cấu kiểu Orwellian trong thế giới của chúng tôi. Điều đó sẽ phá hủy thế giới yên ổn của các quy tắc và quyền lợi mà Mỹ và phần lớn thế giới dựa vào”.  


Cuối tuần qua, Trung Quốc đã chỉ trích báo cáo này, gọi đó là “thông tin sai lệch vì nó xuyên tạc sự thật”. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Trên thực tế, chính Mỹ đã nghĩ ra việc vũ khí hóa không gian thông tin toàn cầu”. Bộ này đã gọi cơ quan nói trên của Bộ Ngoại giao Mỹ là “nguồn thông tin sai lệch và là trung tâm chỉ huy ‘chiến tranh nhận thức’”.


Trong một tuyên bố bằng văn bản, Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington Lưu Bằng Vũ cho rằng báo cáo này “chỉ là một công cụ khác để kiềm chế Trung Quốc và củng cố quyền bá chủ của Mỹ”. Bắc Kinh lập luận rằng truyền thông phương Tây từ lâu đã có thành kiến chống lại Trung Quốc và đôi khi bôi xấu nước này là kẻ ác. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã yêu cầu Trung Quốc tự nói về mình với thế giới để Bắc Kinh được tin cậy và tôn trọng.


Tuy nhiên, các quan chức chính phủ Mỹ cho rằng Bắc Kinh đang thúc đẩy chương trình nghị sự của mình thông qua áp bức và những lời lẽ dối trá. Báo cáo đã viện dẫn một trường hợp, trong đó chính phủ Trung Quốc đã tạo ra một nhà bình luận giả tên Yi Fan, người có các bài viết ủng hộ Bắc Kinh trên các ấn phẩm ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin.

 

Cũng theo báo cáo này, trên phương tiện truyền thông xã hội, Bắc Kinh triển khai một đội quân gồm robot và những kẻ quấy rối trên mạng, cũng như tiến hành các chiến dịch phối hợp để chặn các nội dung quan trọng và đẩy mạnh các thông điệp ủng hộ Bắc Kinh. Các điện thoại do Trung Quốc sản xuất được bán ở nước ngoài bị phát hiện là có khả năng kiểm duyệt.


Theo báo cáo, Luật An ninh quốc gia ở Hong Kong cho phép chính quyền truy tố những ai chỉ trích chính sách của Bắc Kinh dù đang sống ở nước ngoài. Cũng theo báo cáo này, Bắc Kinh đã hợp tác với Moskva để khuếch đại các tuyên bố sai sự thật của Điện Kremlin về vấn đề Ukraine.


Bắc Kinh đã đưa các nhà ngoại giao và nhà báo đến Tân Cương để tham gia các chuyến đi được sắp xếp kỹ lưỡng và có người giám sát. Mục đích của các chuyến đi này nhằm phản bác lại những cáo buộc rằng Bắc Kinh ngược đãi 11 triệu người dân tộc Duy Ngô Nhĩ thông qua các chương trình giam giữ và cưỡng ép lao động tùy tiện, những chương trình buộc người Duy Ngô Nhĩ phải làm việc tại các nhà máy cách xa nhà họ.


Theo một báo cáo năm ngoái của Liên hợp quốc, các hành động của Bắc Kinh ở Tân Cương có thể cấu thành tội ác chống lại loài người. Chính phủ Mỹ thậm chí còn gọi các hành động này là tội diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ, mà đa số là người Hồi giáo.


Tờ “Thời báo Hoàn Cầu”, do Đảng Cộng sản Trung Quốc nắm quyền kiểm soát, đưa tin trong chuyến đi mới nhất tới Tân Cương, các nhà báo đã ca ngợi những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống của khu vực, tạo ra một cuộc sống hài hòa và thịnh vượng cho người dân thuộc mọi sắc tộc và tôn giáo. China News, một hãng thông tấn nhà nước khác, đưa tin một nhà báo Iran đã miêu tả khu vực Tây Bắc Trung Quốc đẹp như một tấm thảm Ba Tư nhiều mắc sắc và hoa văn.


Trong khi đó, Bắc Kinh đã cấm các nhà báo phương Tây đưa tin độc lập ở Tân Cương và tìm cách bịt miệng những lời chỉ trích của người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài bằng cách đe dọa trừng phạt các thành viên gia đình của họ ở quê nhà và không cho họ nhập cảnh vào Trung Quốc.


Mặc dù báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ tập trung vào các nỗ lực gây ảnh hưởng toàn cầu của Bắc Kinh bên ngoài Mỹ, nhưng những phát hiện của báo cáo này cũng tương tự với những phát hiện được ghi nhận bởi các tổ chức tư vấn và các nhóm vận động Mỹ.


Chứng thực trước Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ vào tuần trước, Sarah Cook, Cố vấn cấp cao về Trung Quốc, Hong Kong và Đài Loan tại tổ chức phi chính phủ Freedom House, cho biết chiến dịch truyền bá thông tin sai lệch của Bắc Kinh nhắm vào Mỹ có thể gây bất hòa và có thể ảnh hưởng đến kết quả bầu cử ở cấp địa phương, đặc biệt là ở các khu vực bầu cử có lượng lớn cử tri người Mỹ gốc Hoa. Bà cho rằng có nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ sử dụng WeChat, ứng dụng nhắn tin phổ biến bằng tiếng Hoa và được Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ.


Glenn Tiffert, người đồng chủ trì một dự án về các chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung Quốc tại Viện Hoover, đã nói trước ủy ban rằng việc sử dụng công nghệ mới, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo (AI), có thể cho phép Bắc Kinh can thiệp tốt hơn vào các cuộc bầu cử ở Mỹ./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn AP

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage