NATO đang nhắm đến châu Á

Thứ Ba, 15/07/2025

9:20 pm(VN)

-

12:20 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

NATO đang nhắm đến châu Á

09/10/2023

Liên minh xuyên Đại Tây Dương này đã coi Trung Quốc là ưu tiên an ninh. Trong số những quốc gia được mời đến dự Hội nghị thượng đỉnh thường niên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được tổ chức tại Vilnius, Litva hồi tháng 7/2023, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand là các nước không phải thành viên của NATO.

 

Sự hiện diện của họ cho thấy NATO đang ngày càng kết nối vấn đề an ninh xuyên Đại Tây Dương với những sự kiện tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như thế nào. Liên minh này đang chuẩn bị sẵn sàng để chống lại mối đe dọa do sự trỗi dậy của Trung Quốc về kinh tế và quân sự.


Các nước châu Âu rất ít khi đồng thuận về biện pháp tốt nhất để ứng phó với Trung Quốc, và chính sách của họ được xây dựng dựa trên những gì họ cho là phù hợp với lợi ích quốc gia. Pháp đã ngăn chặn việc mở văn phòng liên lạc của NATO tại Tokyo để ủng hộ Bắc Kinh. Về phần mình, Đức gần đây mới công bố chiến lược an ninh đầu tiên của mình về Trung Quốc, và chiến lược này được diễn đạt một cách thận trọng.


Nhưng ít nhất kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, các thành viên NATO đã nhận ra không phải lúc nào thương mại và sự thịnh vượng kinh tế chung cũng sẽ thay đổi hành vi của các nước độc tài. Điều này buộc họ phải chú ý tới sự lệ thuộc quá lớn của mình vào Trung Quốc, bao gồm các khoáng sản then chốt vốn không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. 


Andrew Small, nghiên cứu viên về các vấn đề cao cấp xuyên Đại Tây Dương thuộc chương trình châu Á của Quỹ Marshall (Đức), nói: “Cuộc xung đột tại Ukraine đã thay đổi nhiều thứ. Giờ đây ở châu Âu, người ta đánh giá cao hơn cách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và châu Âu-Đại Tây Dương kết nối với nhau”.


31 nước thành viên NATO ngày 11/7 đã ký một thông cáo gay gắt cáo buộc Trung Quốc đang triển khai tất cả các công cụ sẵn có để mở rộng “sự hiện diện toàn cầu của mình và phô trương sức mạnh, trong khi vẫn lập lờ về chiến lược, ý đồ và hành động xây dựng quân đội của mình”. 


Họ chỉ trích Trung Quốc vì đã sử dụng “đòn bẩy kinh tế để tạo ra sự lệ thuộc chiến lược” và cảnh cáo nước này không được hỗ trợ quân sự cho các lực lượng của Nga. Các nước này cho hay: “Chúng tôi đặc biệt kêu gọi Trung Quốc hành động có trách nhiệm và kiềm chế cung cấp bất kỳ viện trợ vũ khí sát thương nào cho Nga”, với hy vọng sẽ tạo ra một lằn ranh đỏ.


Trung Quốc tỏ ra phẫn nộ. Họ cáo buộc NATO viện cớ để mở rộng về phía Đông sang châu Á và cảnh báo sẽ “đáp trả kiên quyết” trong khi thực hiện các cuộc tập trận quân sự lớn quanh Đài Loan. Khi các đối tác châu Á gặp gỡ các đồng minh của mình ở châu Âu, hơn 30 máy bay chiến đấu Trung Quốc đã bay vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan và 4 tàu chiến sẵn sàng chiến đấu đã tuần tra vùng biển xung quanh hòn đảo tự trị mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.


Uông Văn Bân (Wang Wenbin), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phát biểu: “Trung Quốc sở hữu thành tích tốt nhất khi xét về khía cạnh hòa bình và an ninh. Chúng tôi chưa bao giờ xâm lược nước khác hay tham gia bất kỳ cuộc chiến tranh ủy nhiệm nào”. Ông công kích các cuộc xâm lược của Mỹ vào Iraq và Afghanistan, đồng thời phớt lờ những lo ngại về ý định của Trung Quốc trong việc xâm lược Đài Loan và đơn phương thay đổi hiện trạng. Ông cáo buộc NATO có tâm lý “Chiến tranh Lạnh” với “tư duy được mất ngang nhau”, và cho rằng không cần phải có “NATO phiên bản châu Á-Thái Bình Dương”.


Đây là năm thứ 2 liên tiếp NATO mời các đối tác châu Á tới dự hội nghị thường niên, dấu hiệu cho thấy sự nghiêm túc của họ về mối đe dọa từ Trung Quốc. Nhưng liệu NATO có chuẩn bị đưa các đối tác châu Á này trở thành thành viên chính thức của liên minh quân sự này như cách Trung Quốc suy luận, hay chỉ đơn giản là đang cố gắng tăng cường quan hệ?


Kể từ khi nắm quyền, Chính quyền Joe Biden được dẫn dắt bởi niềm tin vững chắc rằng một Trung Quốc độc đoán sẽ vừa là mối đe dọa lớn nhất cho trật tự quốc tế dựa trên quy tắc, vừa cho thấy mình là một mô hình thay thế, che giấu thực trạng thiếu quyền tự do chính trị đằng sau sự phát triển kinh tế của nước này. Nhà Trắng đặt Trung Quốc là ưu tiên an ninh hàng đầu của Mỹ và tìm đến đồng minh thân cận nhất của mình, châu Âu, để hợp tác song song và đưa ra chiến lược chặt chẽ và phối hợp đối với Trung Quốc. 


Năm 2019, trong một tài liệu chiến lược, Liên minh châu Âu (EU) miêu tả Trung Quốc là đối tác, đối thủ cạnh tranh, và kình địch mang tính hệ thống. Kể từ đó, EU đã tăng cường tập trung xác định mức độ mà các quốc gia thành viên hiện đang bị cuốn vào quan hệ với các công ty Trung Quốc. Hồi tháng 3/2023, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đề xuất giảm thiểu rủi ro thay vì tách rời hoàn toàn với Trung Quốc, cho thấy ngay cả khi các quốc gia EU không thể hoàn toàn cắt đứt thương mại với Trung Quốc, thì họ vẫn phải tìm cách đa dạng hóa và tìm sự thay thế cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, ít nhất trong các lĩnh vực quan trọng đối với an ninh.


Châu Âu có một số lo ngại về Trung Quốc, được chia làm 2 nhóm: hệ quả quân sự từ kịch bản Trung Quốc xâm lược Đài Loan và nỗi sợ lạm dụng sự lệ thuộc kinh tế. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng đến năm 2035, Trung Quốc được cho là sẽ sở hữu “1500 tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng vươn tới Bắc Mỹ và toàn châu Âu, lãnh thổ của NATO”, lý giải tại sao sức mạnh quân sự của Trung Quốc lại tạo ra sự bất an trong NATO.


Cáo buộc về kho vũ khí hạt nhân bí mật của Trung Quốc càng khiến các thành viên NATO lo ngại, nhưng các nước đối tác châu Á tham gia hội nghị Vilnius mới là bên cảm nhận được mối đe dọa quân sự nghiêm trọng từ Trung Quốc. Nhưng nếu nhìn vấn đề an ninh dưới góc độ về sự dồi dào những nguyên liệu thô quan trọng và tự do hàng hải ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi diễn ra 60% hoạt động thương mại hàng hải, thì Trung Quốc có thể gây rắc rối nếu họ muốn. 


Trong bản chiến lược an ninh quốc gia mới nhất của Đức, Ngoại trưởng Annalena Baerbock nói: “An ninh cũng có nghĩa là đảm bảo hệ thống sưởi của chúng ta có thể hoạt động trong mùa Đông”, ám chỉ việc Nga xâm lược Ukraine đã khiến châu Âu khủng hoảng năng lượng như thế nào.


Bà cũng phát biểu thêm: “An ninh có nghĩa rằng có thể tìm thấy thuốc ở hiệu thuốc cho con chúng ta. Có những chiếc điện thoại thông minh có thể hoạt động bình thường nhờ nguồn cung vi mạch cần thiết đáng tin cậy”, ám chỉ những chuỗi cung ứng mà Trung Quốc có thể đe dọa. Ví dụ, nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan, nước này có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng chip điện tử, đa phần được một công ty Đài Loan sản xuất và được sử dụng để cấp nguồn cho mọi thứ, từ điện thoại cho đến xe điện.


Các khoản đầu tư quy mô lớn của Trung Quốc vào các cơ sở hạ tầng trọng yếu của châu Âu cũng được cho là ẩn chứa những rủi ro an ninh. Các khoản đầu tư của Trung Quốc vào cảng biển đặc biệt gây tranh cãi bởi chúng được coi là tài sản chiến lược. Đương nhiên, một số cảng châu Âu này là trung tâm hậu cần cho các trang thiết bị của NATO. 


Andrew Small từ Quỹ Marshall của Đức cũng nói thêm: “Trung Quốc sẽ sử dụng quyền kiểm soát của mình đối với những cơ sở hạ tầng trọng yếu của châu Âu như thế nào trong trường hợp chiến tranh xảy ra? Đây là câu hỏi thích đáng và là kịch bản quân sự cần xét tới khi hoạch định chiến lược đối với Trung Quốc”.


Trung Quốc đã “vũ khí hóa” sự lệ thuộc kinh tế. Nước này đã áp đặt lệnh cấm vận thương mại đối với Litva để trừng phạt quốc gia này vì đã đứng về phía Đài Loan trong tranh chấp về tính hợp pháp của hòn đảo. Vào năm 2020, khi Thủ tướng Australia kêu gọi mở cuộc điều tra về nguồn gốc của COVID-19, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu than từ Australia và áp đặt mức thuế cao đối với rượu vang và các mặt hàng khác của Australia.


NATO không có kế hoạch mời bất kỳ đồng minh châu Á nào của họ gia nhập liên minh này, nhưng có ý định tăng cường khả năng tương tác và tổ chức các cuộc tập trận phòng thủ chung. 


Một số chuyên gia hàng đầu nói với tờ Foreign Policy rằng NATO không thể mở rộng tới châu Á nếu không viết lại bản hiệp ước vốn hình thành nên tổ chức này.


Janne Leino, Giám đốc Chương trình về chính sách đối ngoại và an ninh tại tổ chức tư vấn Đức Konrad-Adenauer-Stiftung, cho biết: “Phạm vi hoạt động của NATO được định rõ trong Hiệp ước Washington, đó là nằm ở phía Bắc đường Chí tuyến Bắc. NATO không thể kết nạp thành viên mới trừ khi tất cả các quốc gia thành viên hiện tại đồng ý thay đổi hoàn toàn bản Hiệp ước, điều rất khó có thể xảy ra”.


Mirna Galic, nhà phân tích chính sách cao cấp tại Viện Hòa bình ở Mỹ, cho biết điều lệ của NATO quy định rằng các thành viên mới chỉ có thể đến từ châu Âu. Bà cũng cho hay rằng Trung Quốc đang tham gia chiến dịch “truyền bá thông tin sai lệch” khi cáo buộc NATO mở rộng về phía Đông. Bà nói: “Nếu để ý, chỉ có Trung Quốc nói rằng NATO muốn mở rộng sang châu Á, không ai khác nói vậy”.


Đáng chú ý, câu chuyện của Trung Quốc nghe rất giống với lời biện minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho cuộc xâm lược vào Ukraine - nhằm bảo vệ Nga trước hành vi mở rộng của NATO tới sát Nga (Một lời nói dối đã bị vạch trần, khi  hơn một năm kể từ khi cuộc xâm lược diễn ra, Ukraine vẫn không được mời gia nhập NATO). Bắc Kinh đang thêu dệt lời dối trá tương tự để phác họa hình tượng các nước đồng minh phương Tây như những kẻ bành trướng. Đây có thể là một câu chuyện cuốn hút và phổ biến ở phía Đông, nhưng nếu xem xét kỹ lưỡng thì nó lại không hợp lý. 


Galic nhận xét: “Trung Quốc từng rất hài lòng trước sự có mặt của NATO tại Afghanistan. Sự phản đối của họ bây giờ không nhất quán với lập trường trước kia. Trung Quốc có lợi ích đáng kể trong hoạt động đào mỏ tại Logar, Afghanistan, vốn được đảm bảo nhờ có sự hiện diện của NATO tại đất nước bị tàn phá do chiến tranh này”. Ông cũng nói thêm: “Tôi cho rằng Trung Quốc phản đối việc củng cố các liên minh của Mỹ; họ muốn làm suy yếu tính hợp pháp của các khối phòng thủ trong khu vực”.


NATO đang tăng cường quan hệ với các đồng minh châu Á thông qua nhiều thỏa thuận hợp tác. NATO và Hàn Quốc đã nâng cấp quan hệ đối tác bên thềm hội nghị Vilnius và nhất trí hợp tác nhiều hơn trong vấn đề quân sự và không gian mạng. Trong nỗ lực trở thành một đồng minh tốt, Hàn Quốc đã gửi đạn dược cần thiết cho Ukraine và bán xe tăng cho Ba Lan.


Leino nhận xét: “Các đối tác không tìm kiếm tư cách thành viên đầy đủ, mà tìm kiếm khả năng phối hợp tác chiến, huấn luyện chung với các lực lượng NATO và năng lực chung - họ muốn sở hữu vũ khí tương tự như các thành viên NATO”.


Mục đích chính đằng sau sự hợp tác này là để điều chỉnh phối hợp năng lực quân sự của các nền dân chủ châu Âu và châu Á nhằm đối phó với thách thức Trung Quốc khi cần.


Trong bài phát biểu của mình tại Vilnius, Tổng thống Mỹ Biden cho biết: “Chúng tôi đang làm việc để tăng cường mối quan hệ giữa các nền dân chủ ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương để họ có thể hợp tác tốt hơn, hướng tới giá trị chung mà chúng ta tìm kiếm”. Ông nói: “Chúng tôi đang làm việc với các đồng minh và đối tác của mình để xây dựng các chuỗi cung ứng chắc chắn hơn, an toàn hơn, để chúng ta sẽ không bao giờ phải đối mặt với tình huống như trong đại dịch khi không thể kiếm được những vật phẩm thiết yếu cần thiết trong cuộc sống hằng ngày”, ám chỉ việc thiếu hụt nguồn cung các thiết bị bảo vệ cá nhân trong đại dịch COVID-19 khi Trung Quốc cắt giảm xuất khẩu để sử dụng trong nước.


Sau đó trong bài phát biểu của mình, Biden nói thêm: “Liệu chúng ta có ngăn chặn các cuộc xâm lược trắng trợn và không bị kiểm soát hiện nay để răn đe những bên sẽ trở thành kẻ xâm lược trong tương lai?” Đối với NATO, rõ ràng Trung Quốc hiện đủ tư cách trở thành một trong những kẻ xâm lược như vậy./. 
 

Thoibaovietuc.com/Nguồn Foreign Policy

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage