Thách thức ngoại giao lớn của Biden ở Trung Đông

Thứ Ba, 15/07/2025

1:54 am(VN)

-

4:54 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Thách thức ngoại giao lớn của Biden ở Trung Đông

26/10/2023

Theo Financial Times, khi Joe Biden bắt đầu chuyến thăm đầu tiên tới Trung Đông với tư cách tổng thống Mỹ vào năm 2022, ông ca ngợi rằng kể từ vụ tấn công ngày 11/9/2001, đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Mỹ tới thăm khu vực này mà không có quân đội Mỹ tham gia chiến đấu.


Ông cũng tìm cách thiết lập lại mối quan hệ giữa Washington và các đối tác truyền thống, cam kết với các nhà lãnh đạo Arập tại một Hội nghị thượng đỉnh ở Saudi Arabia rằng chính quyền của ông sẽ xây dựng lại niềm tin và "mang lại kết quả thực sự". Ông cũng cho biết: “Chúng ta sẽ hợp tác trong bối cảnh Trung Đông như ngày nay: một khu vực đoàn kết hơn so với những năm trước”.


Mới đây, Tổng thống Biden đã có chuyến thăm thứ hai tới một Trung Đông đã thay đổi. Israel chịu tổn thương bởi chiến tranh trong khi các nước láng giềng Arập đang chìm trong cơn thịnh nộ, giận dữ và sợ hãi. Khu vực này đang ở thời điểm kích động nhất trong nhiều năm qua.


Tổng thống Mỹ bất đắc dĩ bị cuốn vào một trong những vấn đề nan giải nhất thế giới - xung đột Israel-Palestine, vũng lầy ngoại giao mà ông tìm cách tránh, song không thể tránh được sau vụ tấn công chết người của Hamas vào miền Nam Israel ngày 7/10, và cuộc tấn công trả đũa dữ dội của nhà nước Do Thái vào Gaza.


Ngay cả khi Biden chuẩn bị tới Tel Aviv, nhiệm vụ của ông dập tắt ngọn lửa giận dữ và ngăn chặn xung đột lớn hơn tại khu vực trở nên phức tạp hơn bao giờ hết khi vụ nổ tại một bệnh viện ở Gaza vào ngày 17/10 cướp đi sinh mạng của nhiều người.


Vụ nổ khiến Israel và Palestine đổ trách nhiệm cho nhau. Israel đổ lỗi vụ nổ cho một tên lửa do phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine ở Gaza bắn nhầm trong khi Palestine đổ lỗi cho một cuộc không kích của Israel. Mỹ ủng hộ phân tích của Israel về vụ nổ và các cơ quan tình báo của nước này ước tính có tới 300 người thiệt mạng.


Vụ việc nhanh chóng khiến sự phẫn nộ lan rộng. Các nước Arập, gồm cả những quốc gia thù địch với các chiến binh Hamas và hệ tư tưởng Hồi giáo và là các quốc gia rất quan trọng đối với nỗ lực ngoại giao của Biden, đưa ra các tuyên bố lên án mạnh mẽ Israel. Các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp Bờ Tây bị chiếm đóng và khu vực rộng hơn.


Jordan, một trong những đồng minh đáng tin cậy và phụ thuộc nhiều nhất vào Mỹ ở khu vực - đã hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh mà tại đó Biden sẽ gặp các nhà lãnh đạo Jordan và Ai Cập cũng như Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.


Tất cả đều nhấn mạnh vô số thách thức của Biden khi ông tìm cách cân bằng giữa việc thể hiện tình đoàn kết với Israel, xử lý quan hệ với các đối tác Arập và kiềm chế cuộc chiến ở Gaza để ngăn chặn xung đột trong khu vực.


Ở mức tệ nhất, sự leo thang có thể kéo vào cuộc cả Iran và Hezbollah, lực lượng ủy nhiệm chính của nước này, cũng như nhóm chiến binh Liban và các lực lượng dân quân khác do Iran hậu thuẫn - và cuối cùng kéo lực lượng Mỹ quay trở lại chiến trường.


Giám đốc an ninh khu vực tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London (IISS), Emile Hokayem, cho biết:  “Đây có lẽ là thách thức ngoại giao lớn nhất của Mỹ kể từ năm 1990 khi Mỹ phải tập hợp liên minh chống Saddam Hussein. Đó là một thách thức tốt tại thời điểm đó, bởi nó là khởi đầu cho quyền lực Mỹ (ở khu vực). Ngược lại, thách thức hiện nay dường như lại khiến quyền lực này kết thúc”.


Tuy nhiên, bất chấp sự thâm nhập của Trung Quốc và Nga vào Trung Đông, cuộc chiến vẫn củng cố vai trò quan trọng của Mỹ, cường quốc duy nhất có sức mạnh ngoại giao và quân sự để ngăn chặn cuộc khủng hoảng.


Jon Alterman tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược cho biết Mỹ hiện có thể không mạnh như 10, 15 hay 20 năm trước. Tuy nhiên, không có quốc gia hay nhóm quốc gia nào có thể làm được như những gì Mỹ có thể làm về mặt quân sự, ngoại giao hoặc thậm chí về mặt tình báo.


Phát biểu từ Phòng Bầu dục tối ngày 19/10, Biden tìm cách bảo vệ hàng tỷ USD tài trợ quân sự không chỉ cho Israel mà cả Ukraine và Đài Loan, đồng thời khẳng định vai trò bảo đảm an ninh toàn cầu của Mỹ. Ông cho biết: “Vai trò lãnh đạo của Mỹ là thứ gắn kết cả thế giới”.


Toàn bộ khu vực đã thay đổi


Trong 3 thập kỷ kể từ cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, các động lực của khu vực - và nhận thức về vai trò của Mỹ - đã thay đổi hoàn toàn, đặc biệt kể từ cuộc xâm lược Iraq năm 2003 do Mỹ dẫn đầu, dẫn đến nhiều năm xung đột ở quốc gia Arập này cũng như gieo mầm mống cho một nhà nước thất bại và sự trỗi dậy và suy tàn của nhóm thánh chiến IS.
Iran đã khai thác tình trạng hỗn loạn khi đa số người Shiite ở Iraq, phần nhiều trong số này có liên hệ với Tehran, lên nắm quyền ở Baghdad. Một báo cáo đánh giá vào năm 2019 của quân đội Mỹ về cuộc chiến Iraq cũng kết luận "một Iran táo bạo và bành trướng dường như là kẻ chiến thắng duy nhất" trong cuộc xâm lược. Những vết sẹo từ trải nghiệm của Mỹ ở Iraq và Afghanistan vẫn hằn sâu trong nước, với sự cảnh giác về những cuộc phiêu lưu tốn kém, gây thiệt hại ở nước ngoài và gây chia rẽ chính trị.


Đến năm 2011, khi Tổng thống Barack Obama đang chuẩn bị rút lực lượng chiến đấu cuối cùng của Mỹ khỏi Iraq, thế giới Arập lại phải trải qua thời kỳ hỗn loạn khác sẽ định hình lại khu vực cũng như mối quan hệ của họ với Mỹ. Khi làn sóng nổi dậy chống lại những kẻ chuyên quyền lan khắp khu vực, gây nên xung đột ở Syria, Libya và Yemen, các đối tác Arập của Washington đã thất vọng trước phản ứng của Mỹ đối với tình trạng bất ổn. Họ cảm thấy phản ứng này không nhất quán và không quan tâm tới lợi ích của họ.


Việc Obama quyết định ký thỏa thuận hạt nhân với Tehran vào năm 2015 khiến nỗi thất vọng này càng nặng nề hơn.


Trong khi đó, Iran, cường quốc Shiite trong khu vực, đã có thể tận dụng tình hình hỗn loạn một cách cơ hội và chiến lược. Iran cử lực lượng và dân quân vào Syria để hỗ trợ chế độ Assad trong cuộc nội chiến, trong khi các chiến binh Shiite được Iran hậu thuẫn đã phát triển thành lực lượng chính trị và quân sự thống trị ở Iraq, một phần vì vai trò của họ trong cuộc chiến chống IS.


Nước cộng hòa Hồi giáo cũng ủng hộ phiến quân Houthi trong cuộc nội chiến ở Yemen, những người đã chiến đấu với liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu trong 8 năm và công khai ủng hộ Hamas như một phần trong "trục kháng chiến" của tổ chức này.


Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo Arập, bao gồm Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất, đã phàn nàn về việc Mỹ rút khỏi khu vực cũng như các chính sách khó lường của nước này do những toan tính chính trị trong nước. Trong một thế giới ngày càng đa cực, những nhận thức như vậy đã làm xấu đi hình ảnh và mối quan hệ của Washington với các đối tác truyền thống.


Giờ đây, các quốc gia Arập lo ngại nếu tiếp tục leo thang, chiến tranh Israel-Hamas sẽ vượt qua biên giới nước họ.


Một nhà ngoại giao Arập cho biết: “Toàn bộ khu vực đã thay đổi theo hướng dịch chuyển về phía Đông và không nhất thiết phù hợp với quan điểm hoặc lợi ích của Mỹ. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này cho thấy nếu Mỹ ngồi ở ghế lái, chúng tôi có thể hoàn thành điều gì đó. Nếu Mỹ ngồi ở ghế sau, chúng tôi sẽ không làm được như vậy”.


Tại Israel, Biden phải xoa dịu cơn giận dữ của một quốc gia được lãnh đạo bởi chính phủ cực hữu nhất trong lịch sử vốn đang có ý định trả thù và khôi phục khả năng răn đe sau khi hứng chịu cuộc tấn công đẫm máu nhất trên đất Israel kể từ khi nhà nước Do Thái thành lập vào năm 1948.
Theo các quan chức Israel, hơn 1.400 người đã thiệt mạng khi Hamas vượt qua hàng rào an ninh bao quanh Gaza, tiến hành cuộc tấn công miền Nam Israel từ nhiều hướng. Gần 200 thường dân và binh lính bị bắt làm con tin.


Israel đã trả đũa bằng cuộc tấn công đẫm máu nhất cho đến nay nhằm vào dải ven biển đông dân cư do Hamas kiểm soát và là nơi sinh sống của 2,3 triệu người, Các quan chức y tế Palestine cho biết đã có hơn 4.100 người thiệt mạng trong cuộc oanh tạc của Israel...


Vận động ngoại giao


Sau khi nhậm chức, Biden tìm cách giảm bớt căng thẳng ở Trung Đông sau tình trạng hỗn loạn gây nên bởi chính sách "gây áp lực tối đa" của người tiền nhiệm Donald Trump đối với Tehran. Vì vậy, Biden nhận thức được những rủi ro.


Vài ngày sau cuộc tấn công của Hamas, ông cảnh báo Iran "hãy cẩn trọng" và sau đó đã triển khai hai nhóm tác chiến tàu sân bay tới phía Đông Địa Trung Hải để phô trương sức mạnh của Mỹ.


Đồng thời, sau khi gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ở Tel Aviv, Biden nói với báo giới hai bên rằng đã có một cuộc "thảo luận dài" về các lựa chọn liên quan đến kế hoạch đổ bộ vào Gaza của Israel.


Ông công khai kêu gọi Israel không lặp lại sai lầm mà Mỹ mắc phải sau vụ tấn công ngày 11/9: “Tôi cảnh báo điều này: đừng để cơn thịnh nộ hủy diệt bạn. Sau ngày 11/9, ở Mỹ tràn đầy sự giận dữ. Khi chúng tôi tìm kiếm công lý và có được công lý, chúng tôi cũng đã phạm sai lầm”.


Tổng thống Biden về nước với kết quả Israel đồng ý cho phép một số viện trợ vào Gaza. Nhà nước Do Thái đã bao vây khu vực này, cắt nước, nhiên liệu và điện, đồng thời khiến các quan chức Liên hợp quốc cảnh báo về những hậu quả nhân đạo thảm khốc. Đến ngày 20/10, không có viện trợ nào được chuyển đến từ nước láng giềng Ai Cập.


Nhưng Biden cũng khiến người Arập khó chịu khi nhanh chóng chấp nhận tuyên bố của Israel rằng một tên lửa của phiến quân Palestine đã gây ra vụ nổ tại bệnh viện Arập Al-Ahli ở Gaza. Ông cho biết có vẻ vụ nổ được thực hiện bởi một nhóm khác.


Một số người đặt câu hỏi liệu Israel có chú ý đến lời kêu gọi kiềm chế của Mỹ hay không.


Một quan chức phương Tây cho biết: “Thành thật mà nói, tôi không biết liệu có biện pháp ngoại giao nào có thể thay đổi cục diện hay không. Trong các cuộc chiến trước đây, Israel sẽ làm những gì họ muốn làm, và chính sách ngoại giao chỉ có tác dụng để kết thúc mọi việc”.


Israel thề sẽ đè bẹp Hamas và cảnh báo về một cuộc chiến kéo dài, làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột lớn hơn trải dài từ Bờ Tây - nơi hơn 70 người Palestine đã thiệt mạng kể từ ngày 7/10, hầu hết là trong các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh Israel.


Trong bối cảnh đó, Iran và Hezbollah - vốn đã có cuộc chiến kéo dài 34 ngày với Israel vào năm 2006 dọc biên giới Liban-Israel - đang có những hành động đe dọa. Ngày 16/10, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian cảnh báo rằng các nhóm chiến binh trong trục kháng chiến của họ có thể tấn công "phủ đầu" chống lại Israel trong "những giờ tới", nhấn mạnh Israel sẽ không được phép hành động ở Gaza theo cách họ muốn.


Trong tuần qua, hỏa lực pháo binh giữa Hezbollah và Israel đã gia tăng. Theo quân đội Israel, ngày 19/10 nhóm chiến binh này đã bắn 20 quả rocket vào miền Bắc Israel.


Cho đến nay, các cuộc đụng độ vẫn nằm trong cái gọi là lằn ranh đỏ để ngăn chặn một trong hai bên leo thang thành một cuộc xung đột toàn diện. Nhưng Anh, Mỹ và các nước khác đã cảnh báo công dân họ rời khỏi Liban do lo ngại ranh giới này sẽ bị vượt qua, dù vô tình hay cố ý.


Các quan chức và nhà ngoại giao Mỹ mới đây cho biết quân đội Mỹ đã ngăn chặn các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào lực lượng của họ ở Iraq và Syria. Ước tính Mỹ có khoảng 2.500 quân ở Iraq và 900 quân ở Syria.


Lầu Năm Góc ngày 19/10 cho biết một tàu chiến của Mỹ đã bắn hạ 3 tên lửa hành trình tấn công mặt đất và một số máy bay không người lái do lực lượng Houthi bắn ở Yemen, đồng thời cho biết thêm không rõ mục tiêu dự định là gì, song chúng đang hướng tới Israel.


Tuy nhiên, các quan chức phương Tây hy vọng cuộc chiến Israel-Hamas có thể được kiềm chế, một số người cho rằng họ không tin Hezbollah hoặc Iran muốn bị lôi kéo vào một cuộc xung đột trực tiếp với Israel, điều có nguy cơ dẫn đến sự can thiệp của Mỹ.


Theo Aaron David Miller, một cựu quan chức Mỹ hiện làm việc tại Quỹ vì Hòa bình Quốc tế Carnegie, Hezbollah đã tìm cách tạo áp lực lên mặt trận phía Bắc của Israel, “tạo nên một số cam kết với trục kháng chiến”. Ông đặt câu hỏi: "Nhưng tại sao Hezbollah lại muốn lãng phí nguồn lực để dính líu vào một cuộc xung đột lớn với Israel khi Hamas đang thực hiện công việc của mình?".


Đại biện đại sứ quán Iran tại Anh, Mehdi Hosseini Matin, cho biết các ưu tiên của nước cộng hòa Hồi giáo là thúc đẩy lệnh ngừng bắn và chuyển viện trợ nhân đạo tới Dải Gaza. Nhưng ông cho rằng tình hình “rất bất ổn và rất nguy hiểm”. Ông cho biết trong trường hợp có một cuộc xâm lược trên bộ vào Gaza, “không ai có thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Trong tình huống đó... không ai có thể đối đầu với các nhóm kháng chiến Hồi giáo... để yêu cầu họ phải làm gì hoặc không nên làm gì”.


Theo ông Miller, nếu tình hình leo thang thành một cuộc chiến toàn diện, kéo Hezbollah và Iran vào cuộc, “thật khó tưởng tượng Mỹ sẽ đứng ngoài cuộc. Nhưng điều này vẫn còn xa”.


Tiến độ đóng băng


Ngay cả khi xung đột được ngăn chặn, các kế hoạch của Tổng thống Biden đối với khu vực vẫn bị cản trở. Khi bước vào Nhà Trắng, chính sách chủ yếu của ông đối với Trung Đông là khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng đó và giảm bớt căng thẳng với nước cộng hòa Hồi giáo.


Sau gần 2 năm đàm phán gián tiếp, Mỹ cuối cùng đã đạt được bước đột phá nhỏ vào tháng 9, dẫn đến việc Washington thôi đóng băng 6 tỷ USD tiền dầu mỏ của Iran như một phần của thỏa thuận trao đổi tù nhân. Nhưng mọi hy vọng về những tiến triển tiếp theo giờ đây dường như ngày càng xa vời.


Biden cũng đang thúc đẩy một thỏa thuận ba bên với Saudi Arabia và Israel, điều sẽ dẫn đến việc Saudi Arabia bình thường hóa quan hệ với nhà nước Do Thái để đổi lấy một hiệp ước an ninh và thỏa thuận hạt nhân với Mỹ. Nhìn một cách tích cực nhất thì việc này giờ đây cũng sẽ bị đình trệ.


Đối với nhiều người Arập, cuộc xung đột là một lời nhắc phũ phàng rằng các thỏa thuận bình thường hóa gần đây giữa các quốc gia Arập và Israel, do Trump và sau đó là Biden thúc đẩy, sẽ không mang lại hòa bình cho khu vực chừng nào sự nghiệp chính nghĩa của người Palestine còn bị phớt lờ.


Cựu Ngoại trưởng Jordan Marwan Musher cho biết: “Tất cả những niềm tin này đang vỡ vụn và Mỹ thấy mình đang ở vị thế không còn sức ảnh hưởng như trước nữa”.


Không chỉ Mỹ choáng váng trước cuộc tấn công của Hamas. Theo ông Hokayem, các quốc gia Arập đã bình thường hóa quan hệ, như UAE, đang bị buộc phải "suy nghĩ và điều chỉnh lại", và thay vì lên án Hamas, hãy đi "theo dòng chảy Arập" trong việc lên án Israel.


Ông nói: “Điều này cho thấy sự nghiệp chính nghĩa của người Palestine vẫn còn tiềm năng lớn đến mức nào, bất chấp sự khẳng định ngược lại của phương Tây và Israel. Các nước Arập đã bình thường hóa quan hệ với Israel cảm thấy rằng họ có ít hoặc không có động lực đối với Israel và ngay cả khi bạn bình thường hóa hoặc nhiệt tình đưa ra các đề nghị, người Israel sẽ không bao giờ đáp ứng yêu cầu của bạn”.


Giống như ở phương Tây, số phận của người Palestine từ lâu đã nằm ngoài danh sách ưu tiên của Arập, đặc biệt là trong số các quốc gia vùng Vịnh giàu dầu mỏ quyết tâm tập trung vào các kế hoạch phát triển đầy tham vọng của họ.


Những quốc gia gần nhất với cuộc xung đột - Ai Cập và Jordan - từ lâu đã cảnh báo về nguy cơ phớt lờ khó khăn của người Palestine. Giờ đây, những quốc gia này lo ngại Israel sẽ tìm cách đẩy người Palestine qua biên giới của họ.


Một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Biden rời khu vực, Quốc vương Jordan Abdullah và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đưa ra tuyên bố mạnh mẽ chống lại hình phạt tập thể hoặc cưỡng bức di dời người Palestine.


Một quan chức Arập khác cho hay dù họ có thực tâm muốn hay không khi đưa ra tuyên bố này, thì đây cũng là lời cảnh báo cho Biden về mức độ giận dữ trong thế giới Arập - và rằng Mỹ không thể bỏ qua chính nghĩa của người Palestine.


Quan chức này thừa nhận Biden phải thực hiện "đường lối cân bằng để mang lại cho người Israel những gì họ muốn". Nhưng ông nói thêm Tổng thống Mỹ cũng phải nhận thức được rằng đó là vấn đề duy nhất mà các nhà lãnh đạo Arập sẽ “phản đối mạnh mẽ” khi dư luận đang sôi sục như vậy.


Ông cho biết: “Đây là vấn đề duy nhất mà mọi người sẽ xuống đường để phản đối. Sẽ luôn có xung đột và bất ổn ở Trung Đông cho tới khi xung đột ở Palestine được giải quyết một cách công bằng”./.
 

Thoibaovietuc.com/Nguồn Financial Times

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage