Tiêu điểm xung đột Nga - Ukraine: Khi Ukraine mất dần đồng minh

Thứ Hai, 14/07/2025

12:02 pm(VN)

-

3:02 pm(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Tiêu điểm xung đột Nga - Ukraine: Khi Ukraine mất dần đồng minh

23/09/2023

Trong tuần vừa qua, xung đột Nga-Ukraine tiếp tục có những diễn biến căng thẳng khi hai bên đẩy mạnh tấn công các mục tiêu của nhau, cả trên chiến trường cũng như tại khu vực hậu phương. Đáng chú ý, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc xung đột sẽ kéo dài, thậm chí là khốc liệt hơn.


Tương quan lực lượng


Trong tuần vừa qua, quân đội Nga tiếp tục đẩy lùi nhiều nỗ lực tấn công của Ukraine trên các hướng Zaporizhzhie, Krasny Liman, Kherson…, gây thiệt hại đáng kể về người và vũ khí, bao gồm nhiều loại vũ khí được phương Tây cung cấp cho Ukraine. Đáng chú ý, bên cạnh nỗ lực phòng thủ, quân đội Nga bắt đầu tiến hành các cuộc phản công: Ngày 21/9, lần đầu tiên trong vòng 6 tháng qua, Nga đã tấn công hạ tầng năng lượng của Ukraine. Phía Ukraine cho biết Nga đã phóng 43 tên lửa hành tình nhằm vào hàng loạt hạ tầng năng lượng trên khắp đất nước, gây nên tình trạng mất điện ở nhiều khu vực trên khắp Ukraine: tỉnh Kiev, Rivne, Zhytomyr, Kharkov và Dnipro. Ngoài ra, Nga tập trung tấn công vào các cơ sở chỉ huy, cơ sở của ngành công nghiệp quân sự, cũng như các trung tâm tình báo vô tuyến và huấn luyện quân sự cho các nhóm phá hoại Ukraine bằng các loại vũ khí chính xác cao trên không tầm xa và máy bay không người lái. Trong khi đó, theo Reuters, CNN, phía Ukraine cũng khẳng định các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của quân đội nước này đã gây những thiệt hại đáng kể về cơ sở hạ tầng và vũ khí cho quân đội Nga, trong đó có cả máy bay chiến đấu, tàu ngầm…  


Ukraine đang mất dần đồng minh


Cũng trong tuần vừa qua, báo chí Nga tập trung phân tích về những căng thẳng mới xuất hiện trong quan hệ giữa Ba Lan và Ukraine. Theo đó, ngày 15/9, Uỷ ban châu Âu tuyên bố các hạn chế thương mại (liên quan ngũ cốc Ukraine xuất khẩu đi qua lãnh thổ Ba Lan, Hungary, Slovakia) đã chấm dứt, tuy nhiên, ba quốc gia này ngay lập tức tuyên bố sẽ không tuân thủ. Ba Lan thậm chí đe dọa áp đặt hạn chế nhập khẩu cả đối với các mặt hàng khác. Ngày 19/9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) rằng một số quốc gia chỉ giả vờ đoàn kết và gián tiếp ủng hộ Nga; Ukraine đã đệ đơn lên Tổ chức Thương mại Thế giới kiện Slovakia, Ba Lan và Hungary liên quan lệnh cấm ngũ cốc nhập từ Ukraine và cáo buộc các nước này vi phạm nghĩa vụ quốc tế. Sáng 20/9, Đại sứ Ukraine tại Ba Lan đã bị triệu tới Bộ Ngoại giao Ba Lan để chất vấn vì những phát biểu của ông Zelensky, cũng như phía Ba Lan tuyên bố huỷ cuộc gặp giữa Tổng thống Ba Lan và Ukraine bên lề ĐHĐ LHQ để phản đối. Cùng ngày, Tổng thống Ba Lan tuyên bố sẽ không cung cấp bất kỳ loại vũ khí nào nữa cho Ukraine vì bản thân nước này cũng đang tái vũ trang quân đội của mình. Theo hãng thông tấn Nga TASS, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma quốc gia Nga Leonid Slutsky cho rằng Kiev đang mất dần các đồng minh. "Trước sự sụp đổ ngày càng rõ ràng của dự án 'chống Nga', Kiev bắt đầu mất đi các đồng minh. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã từ chối gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bên lề cuộc họp của ĐHĐ LHQ và so sánh Ukraine như một người chết đuối có thể kéo những người khác vào vùng nước xoáy", ông Slutsky viết trên Telegram. Theo giới phân tích Nga, điều này đã cho thấy sự điều chỉnh chính sách hỗ trợ Ukraine của Ba Lan. Thoả thuận ngũ cốc Biển Đen không còn hiệu lực đã thu hẹp đáng kể nguồn thu ngân sách của Ukraine để phục vụ chiến tranh, buộc nước này thúc đẩy các hướng xuất khẩu thay thế, bao gồm đi qua lãnh thổ ba quốc gia kể trên. Theo giới chuyên gia Nga, thời gian tới, Ukraine sẽ gặp nhiều khó khăn, không chỉ do hạn chế nguồn thu ngân sách từ ngũ cốc, mà còn do quan hệ giữa nước này với nhiều thành viên Liên minh châu Âu (EU) xấu đi, cản trở sự thống nhất của EU trong chính sách hỗ trợ Kiev.


Ngoài quan hệ căng thẳng với Ba Lan, Ukraine cũng đang gặp khó khăn trong việc kêu gọi sự hỗ trợ nhiều hơn từ Mỹ, quốc gia đang đóng góp nhiều nhất cho cuộc chiến của Kiev. Theo "The New York Times", "The Washington Post", mặc dù Tổng thống Biden khẳng định Washington sẽ tiếp tục sát cánh cùng Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga trong bài phát biểu tại ĐHĐ LHQ và Mỹ đã công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 325 triệu USD cho Ukraine, nhưng xu hướng phản đối viện trợ cho Ukraine trong Quốc hội Mỹ đang ngày càng tăng, thậm chí đây còn là một trong những lý do khiến chính phủ Mỹ một lần nữa đối mặt với nguy cơ đóng cửa. Đại diện phe cực hữu Marjorie Taylor Greene cho biết trên X, trang mạng xã hội trước đây gọi là Twitter: “Tôi sẽ không bỏ phiếu để tài trợ một xu nào cho cuộc chiến ở Ukraine, bất cứ thứ gì liên quan đến COVID-19 và việc vũ khí hóa chính trị của chính phủ”. Mặt khác, trong chuyến thăm Mỹ và tham dự cuộc họp của ĐHĐ LHQ, Tổng thống Zelensky muốn một lần nữa phát biểu trước Quốc hội Mỹ như trong chuyến thăm năm 2022, nhưng lần này Chủ tịch Hạ viện Mỹ McCarthy đã từ chối. “Ông Zelensky muốn phát biểu trước Quốc hội, nhưng chúng tôi không có thời gian”, Chủ tịch Hạ viện Mỹ nói. Bên cạnh đó, ông McCarthy cũng nhấn mạnh không cam kết ủng hộ Quốc hội thông qua khoản ngân sách bổ sung trị giá 24 tỷ USD cho Ukraine. Theo Reuters, Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Séc Jan Lipavsky cho biết việc tiếp tục hỗ trợ quân sự và tài chính cho Kiev trong cuộc xung đột kéo dài “sẽ không dễ dàng”. Cũng theo ông Lipavsky, châu Âu cần có “chiến lược trung hạn để hỗ trợ lâu dài cho Ukraine”. Rõ ràng, cuộc chiến càng kéo dài thì gánh nặng ngân sách đối với các quốc gia ủng hộ Ukraine càng lớn, và do đó không khó để lý giải rằng các gói hỗ trợ nhiều khả năng sẽ ngày càng giảm.


Cuộc chiến càng kéo dài thì Ukraine càng khó khăn


Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, một quan chức cấp cao G7 cho hay xung đột Nga-Ukraine có thể kéo dài thêm 6-7 năm nữa. Quan chức này nhấn mạnh các đồng minh của Kiev sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi cố gắng duy trì sự hỗ trợ cho Ukraine. Trong bài báo được Bloomberg xuất bản hôm 19/9, nhiều quan chức giấu tên của G7 nhận định xung đột kéo dài là do cuộc phản công của Ukraine tiến triển chậm, khiến phương Tây hạ thấp kỳ vọng. Một quan chức hàng đầu châu Âu nói thêm ngay cả khi được hỗ trợ, Ukraine vẫn sẽ phải đối mặt với những thách thức do phương Tây không cung cấp đủ các loại vũ khí, và tổn thất binh sĩ ngày càng tăng. Những nhận định trên phù hợp với thực tiễn cuộc phản công của Ukraine hiện nay, theo đó, chính bản thân ông Zelensky cũng không mấy tin tưởng vào thắng lợi của cuộc phản công mà quân đội nước này đang tiến hành trong năm nay. Theo CNN, khi được hỏi liệu Ukraine có thể đạt được bước đột phá trong những tháng tới hay không, ông Zelensky cho biết: “Tôi thực sự không nghĩ ai có thể dự báo được điều này”. 


Trong khi đó, tờ báo Đức "Berliner Zeitung" dẫn lời các quan chức Berlin đưa tin Ukraine không thể đánh bại Nga trên chiến trường, ngay cả khi có sự hỗ trợ về tài chính và vũ khí của tập thể đồng minh phương Tây, kể cả là sự hợp lực hỗ trợ của các cường quốc NATO như Mỹ, Đức, Anh, Pháp… Bên cạnh đó, các chuyên gia quân sự của Đức cũng đã đi đến kết luận tương tự và đề xuất cách riêng của họ để thoát khỏi cuộc xung đột được coi là cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa Nga với cả thế giới phương Tây. Theo giới chuyên gia, tốc độ xung đột Ukraine gia tăng liên tục đã dẫn đến sự tàn phá to lớn và cái chết của hàng nghìn người. Cuộc chiến càng kéo dài thì càng có nhiều thương vong và càng khó đạt được một nền hòa bình công bằng và lâu dài, từ kết quả của các cuộc đàm phán. Các chuyên gia Đức tin rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine do sự hỗ trợ của phương Tây, có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh quy mô lớn, điều mà không bên nào mong muốn.


Trên thực tế, những căng thẳng tuần qua liên quan đến vùng lãnh thổ tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan là Nagorny-Karabakh cũng được dư luận Nga đặc biệt quan tâm, bởi đây cũng được xem là khu vực cận kề quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh của Nga. Giới chuyên gia Nga nhận định cuộc xung đột đã kết thúc nhanh chóng với các hành động quyết đoán của Azerbaijan, và đây là một bước đi hợp lý vì Armenia trước đây đã công nhận quyền tài phán của Baku đối với khu vực này. Tuy nhiên, ở Armenia, đây được coi là sự sụp đổ của tư tưởng quốc gia. Theo giới phân tích, phương Tây đang muốn sử dụng cuộc xung đột này để triển khai quân dự bị trong khu vực, qua đó tác động đến chính sách của các nước trong khu vực, hất cẳng ảnh hưởng và vị thế của Nga. Thậm chí, một cuộc xung đột mới ở sườn phía Nam của Nga sẽ làm suy yếu sức mạnh của Nga ở Ukraine. Về phần mình, phía Nga sẽ không từ bỏ những ảnh hưởng và vị thế của mình trong khu vực, tiếp tục nỗ lực đóng vai trò gìn giữ hoà bình. Các chuyên gia đánh giá rằng nhiều khả năng sự việc lần này diễn ra trên cơ sở sự đồng thuận của các bên, bao gồm Nga và Thổ Nhĩ Kỳ- các quốc gia có nhiều ảnh hưởng trong khu vực.


Ukraine sẽ tiến hành cuộc phản công mới


Theo Reuters, Yevgeny Balitsky, quyền Thống đốc Zaporizhzhia do Nga bổ nhiệm, cho biết đợt phản công thứ ba của Ukraine theo hướng Zaporizhzhia được dự đoán sẽ bắt đầu trước cuối tháng 9. “Đối phương đang cố gắng khôi phục khả năng chiến đấu với mục tiêu chiếm lại các vị trí thuận lợi. Mọi kế hoạch của Ukraine đều được biết trước. Vào tháng 9, chúng tôi dự đoán sẽ có làn sóng phản công thứ ba”, ông Balitsky viết trên kênh Telegram. Theo ông, cuộc phản công mới sẽ dẫn đến tổn thất cho Ukraine khi quân đội Nga hoàn toàn kiểm soát vùng đất thấp. “Đối phương vẫn còn xe tăng nhưng sắp cạn kiệt, và họ đang phải đối mặt với những tổn thất nặng nề do phương Tây muốn thực hiện một cuộc phản công khác”, ông Balitsky cho hay. Những thông tin về một cuộc phản công mới của Ukraine càng được củng cố hơn bởi phát biểu của Tổng thống Ukraine Zelensky tại Mỹ. Theo AP, trả lời phỏng vấn báo chí ngày 21/9, ông Zelensky đã cam kết quân đội nước này sẽ giành lại thành phố Bakhmut và 2 thành phố khác của Ukraine khỏi sự kiểm soát của Nga. “Chúng tôi sẽ giành lại Bakhmut”, ông Zelensky nói, “Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ giải phóng thêm 2 thành phố nữa. Xin lỗi, tôi sẽ không cho bạn biết đó là thành phố nào. Chúng tôi có kế hoạch. Kế hoạch rất, rất toàn diện”. Tổng thống Ukraine cũng nhấn mạnh quân đội nước này sẽ không bỏ cuộc. Ông tin rằng Nga đang hi vọng tình hình giao tranh tạm lắng để củng cố lực lượng của mình./.
 

Thoibaovietuc.com/Nguồn Vna/Reuters/CNN/TASS/New York Times

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage