THỜI BÁO VIỆT - ÚC
Gắn kết - Hội nhập - Phát triển
Theo bài viết "Vai trò của Đông Nam Á đối với tương lai của Australia và G20" của chuyên gia Colin Chapman, chuyên về địa chính trị, kinh tế quốc tế và các vấn đề truyền thông toàn cầu đăng trên trang mạng AIIA, tầm quan trọng của Đông Nam Á đối với tương lai kinh tế của Australia là không thể phủ nhận, nhưng những nỗ lực nhằm đáp ứng những cam kết của Chính phủ Australia đối với khu vực này dường có vẻ đang bị trì hoãn quá lâu. Trong khi đó, chuyến công du Trung Quốc sắp tới của Chính phủ Thủ tướng Anthony Albanese sẽ tạo cơ sở để giành lại mối quan hệ đối tác kinh tế trước đây với Bắc Kinh.
Kể từ những ngày diễn ra cuộc đàm phán nhóm phòng thủ Ngũ cường, đã có đánh giá rằng tương lai chiến lược và kinh tế của Australia nằm trong mối quan hệ chặt chẽ với các nền dân chủ ở Đông Nam Á. Gần đây, một báo cáo toàn diện của ông Nicholas Moore, cựu Giám đốc Tập đoàn Macquarie trình bày chi tiết một loạt khuyến nghị xác nhận quan điểm này.
Không phải tất cả người Australia đều ủng hộ quan điểm này. Đối với nhiều người, tương lai tốt nhất của Australia là tiếp tục gắn với Mỹ. Thực tế, phần lớn thời gian của Quốc hội Australia trong những tuần gần đây được dành cho việc mở rộng các thỏa thuận quốc phòng giữa Australia-Mỹ nhằm bù đắp những gì được coi là mối đe dọa từ Trung Quốc.
Đối với một số quan điểm khác, đặc biệt là vào đầu thế kỷ này, tương lai của Australia được coi là gắn liền với Trung Quốc, cho đến khi Trung Quốc trở nên quyết đoán hơn, đặc biệt là trong quan hệ với các nước xung quanh khu vực Biển Đông.
Một số luồng quan điểm, mặc dù có lẽ đang giảm dần, coi tương lai của Australia là một nước đóng vai trò quan trọng trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Cuộc họp thường niên ở New Delhi (Ấn Độ) gần đây có sự tham dự của Thủ tướng Anthony Albanese.
Tầm quan trọng của Chính phủ đối với báo cáo của ông Moore được phản ánh trong các tuyên bố chiến lược mới. Thủ tướng Australia nói: "Sự nâng cấp đáng kể nhất trong cam kết kinh tế của Australia với ASEAN trong một thế hệ". Ông nói thêm: "Đây chính là vận mệnh kinh tế của Australia". Ngoại trưởng Penny Wong cho biết, vào thời điểm bối cảnh địa chiến lược ngày càng phức tạp, việc tăng cường hợp tác với Đông Nam Á là ưu tiên hàng đầu của chính phủ.
Việc thực hiện báo cáo của ông Moore là một công việc lớn mà cả chính phủ Thủ tướng Albanese, các bang của Australia và toàn bộ doanh nghiệp Australia đều chưa chuẩn bị sẵn sàng. Một cam kết ở quy mô này sẽ đòi hỏi động lực để thực hiện nó, điều hiện chưa tồn tại ở Australia.
Chiến lược mới đòi hỏi phải điều chỉnh lại toàn bộ nhiều chính sách của Australia bao gồm thương mại, nhập cư, sử dụng quỹ hưu bổng của người Australia, giao thông, môi trường và nhiều thứ khác. Không còn nghi ngờ gì nữa, một số tiến bộ ban đầu có thể được thực hiện - và không nên chậm trễ - nhưng những tiến bộ đáng kể yêu cầu sự thay đổi về mặt hệ thống và văn hóa trong các trường học, trường đại học, thực tiễn kinh doanh và tài trợ cho rủi ro. Nếu không có sự điều chỉnh cơ bản như vậy trong vòng 5 năm tới, mục tiêu được chính phủ Australia đưa ra có thể không đạt được. Hơn nữa, trừ khi toàn thể người dân Australia nhận thức được tầm quan trọng của tài liệu chiến lược mới này, nếu không việc thực hiện sẽ thất bại.
Các báo cáo đầu tư đánh giá chiến lược kinh tế Đông Nam Á của Australia đến năm 2040 nhấn mạnh cơ hội to lớn dành cho Australia và khu vực. Nếu kim ngạch thương mại hai chiều tiếp tục tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng trung bình 5,5%/năm trong khoảng 20 năm, giao dịch thương mại sẽ đạt giá trị khoảng 465 tỷ AUD (300 tỷ USD) vào năm 2040, tăng 287 tỷ AUD so với mức hiện tại. Nhưng nếu tăng trưởng thương mại có thể được đẩy lên 6,3%/năm thì tổng thương mại sẽ tăng gấp ba vào năm 2040.
Quy mô đầu tư vốn cần thiết cũng quan trọng không kém, với ước tính khoảng 3.000 tỷ AUD đầu tư vào cơ sở hạ tầng và một một mức tương tự đối với đầu tư xanh. Nhưng Australia lại bắt đầu với một khởi đầu khó khăn: Đầu tư của Australia vào khu vực còn thấp, thương mại bị kẹt ở mức khoảng 14% trong 20 năm và tăng trưởng đầu tư trực tiếp nước ngoài đã bị đình trệ.
Chính phủ Thủ tướng Albanese xứng đáng được đánh giá cao vì đưa ra bản báo cáo của ông Nicholas Moore vào thời điểm này. Sự xuất hiện của nó là một trong những chất xúc tác chính cho phép Ngoại trưởng Penny Wong có thể đưa ra một sự đảo ngược đáng kể về tình trạng đã trở thành sự suy thoái nghiêm trọng trong quan hệ Trung Quốc - Australia, đỉnh điểm là việc Bắc Kinh mời ông Albanese gặp Chủ tịch Tập Cận Bình để hướng tới việc giải quyết vấn đề vào cuối năm 2023. Rõ ràng trong khi giới lãnh đạo Trung Quốc đã có lúc nghĩ rằng Bắc Kinh có thể coi thường Australia như một đối tác thương mại cận biên, nhận ra rằng Canberra có thể và sẽ liên kết chặt chẽ với các nền kinh tế thành công của Đông Nam Á và cả Ấn Độ. Điều này có thể đã dẫn đến sự thay đổi trong suy nghĩ của Bắc Kinh.
Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục phải đối mặt với các vấn đề kinh tế. Có vẻ như rất khó có khả năng Bắc Kinh thậm chí có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm 2023. Số liệu tháng 8/2023 được cung cấp gần đây cho thấy nền kinh tế tiếp tục suy thoái, với đồng nhân dân tệ giảm 6% trong năm 2023 xuống mức thấp mới trong 16 năm. Sự sụt giảm này đã thúc đẩy dòng vốn nước ngoài chảy ra hơn 20 tỷ USD từ thị trường nợ trong nước trong năm 2023.
Với tư cách là một nhà lãnh đạo chính trị, Thủ tướng Albanese gây ấn tượng như một người theo chủ nghĩa hiện thực, và ông sẽ tới Trung Quốc với những tham vọng lạc quan nhưng khiêm tốn. Hơn hết, Canberra cũng hy vọng mang lại cảm giác ngày càng cải thiện hơn trong mối quan hệ giữa hai nước, bất chấp sự khác biệt rõ ràng.
Thủ tướng Albanese đã kết thúc chuyến công du khu vực bằng hai ngày ở New Delhi để tham dự cuộc họp được cho là có ý nghĩa quan trọng của các nhà lãnh đạo G20. Trong những năm gần đây, G20 đã và đang xây dựng lực lượng nhưng với sự hỗ trợ yếu ớt của Trung Quốc và Nga cũng như những đóng góp "đáng ngờ" của các quốc gia như Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Saudi. Bởi vậy, đã có những câu hỏi đặt ra về tương lai của G20./.
Thoibaovietuc.com/Nguồn vna
Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved