Vũ khí hạt nhân và những lằn ranh đỏ

Thứ Ba, 15/07/2025

9:45 pm(VN)

-

12:45 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Vũ khí hạt nhân và những lằn ranh đỏ

15/10/2023

Nhật báo Hankyoreh của Hàn Quốc mới đây có bài viết “Thật kỳ diệu khi vũ khí hạt nhân không được sử dụng trong Chiến tranh Triều Tiên” qua bài phỏng vấn Giáo sư Adrian Lewis tại Đại học Kansas về tình hình Bán đảo Triều Tiên và Ukraine. Nội dung bài viết như sau:


Adrian Lewis, 70 tuổi, là giáo sư lịch sử tại Đại học Kansas và là nhà tư tưởng lỗi lạc về chiến lược quân sự.


Là một học giả về chiến tranh, ông đã xuất bản cuốn sách “Văn hóa chiến tranh của Mỹ” (2017), trong đó ông trình bày khám phá sâu sắc về lý do mà Mỹ - mặc dù có hỏa lực áp đảo - đã thua cuộc trong gần như tất cả các cuộc xung đột kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, bao gồm các cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Afghanistan và Iraq.


Nhân dịp Lewis tham dự hội nghị hòa bình quốc tế ở Incheon, Hankyoreh đã có bài phỏng vấn ông về tình hình “Chiến tranh Lạnh mới” gần đây, cuộc chiến ở Ukraine, chiến lược cho Bán đảo Triều Tiên và khả năng vũ khí hạt nhân thực sự được sử dụng.


Ông dự đoán rằng cuộc chiến giữa Nga và Ukraine sẽ kéo dài - và khuôn khổ Chiến tranh Lạnh mới, trong đó Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản ở một bên chống lại Triều Tiên, Trung Quốc và Nga ở bên kia, sẽ vẫn còn tồn tại trong tương lai gần.


Về Chính phủ Hàn Quốc, ông nhận xét rằng mặc dù liên minh với Mỹ là quan trọng, nhưng Seoul không thể giao phó hoàn toàn an ninh của mình cho Mỹ khi tình hình chính trị ở Mỹ có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Thay vào đó, ông kêu gọi Hàn Quốc đưa ra “các quyết định cân bằng” dựa trên lập trường địa chính trị của mình và luôn có sẵn kế hoạch dự phòng.


Là một cựu sỹ quan, Lewis từng là giáo sư tại Học viện Quân sự Mỹ. Trong những năm 1970, ông từng đóng quân ở Hàn Quốc. Vợ và con gái của ông đều từng làm việc ở Hàn Quốc trong các vị trí quân sự.


Lewis cho biết tất cả các thành viên trong gia đình ông “luôn rất quan tâm” đến tình hình ở Hàn Quốc. Cuộc phỏng vấn giữa Hankyoreh và Lewis diễn ra vào ngày 8/9 tại trung tâm hội nghị Songdo Convensia ở Incheon.


Hankyoreh (-): Hãy bắt đầu với những vấn đề hiện tại. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin. Họ sẽ thảo luận về các giao dịch vũ khí, và một số người thậm chí còn đề cập đến khả năng mở rộng hợp tác về vệ tinh và tên lửa hạt nhân. Ông dự đoán điều này sẽ có tác động gì đến quan hệ Triều Tiên-Nga và bán đảo Triều Tiên?


Adrian Lewis (+): Triều Tiên và Nga thường sử dụng những loại vũ khí giống nhau, bao gồm các loại và hệ thống vũ khí, đạn dược. Họ cần nhau: Nga cần Triều Tiên để có thể tiếp tục cuộc chiến với Ukraine, và Triều Tiên cần Nga vì an ninh quốc gia. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về cơ bản cũng sẽ ủng hộ Triều Tiên và Nga xích lại gần nhau, ngay cả khi bản thân Trung Quốc không theo đuổi quan hệ đối tác quân sự ba bên với họ.


- Triều Tiên cũng tuyên bố đã chế tạo một tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến thuật. Loại tàu này sẽ được dành cho tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Ông cho rằng ý nghĩa của việc này là gì?


+ Triều Tiên đã sở hữu năng lực hạt nhân. Chúng ta có thể chỉ trích nước này sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng theo quan điểm của Triều Tiên, sẽ thật điên rồ nếu lựa chọn phi hạt nhân hóa và từ bỏ những vũ khí đó.


Ngoài vũ khí hạt nhân, Triều Tiên còn có hệ thống phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, nghĩa là nước này đã có khả năng tấn công hạt nhân vào San Francisco hoặc New York. Có hai phương tiện để thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân là ICBM và SLBM. Điều đó có nghĩa là Triều Tiên đang sở hữu hai khả năng hạt nhân đó, ngay cả khi chúng ta có thể chưa đánh giá cao hiệu suất tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến thuật của nước này.


Tôi dự đoán Triều Tiên sẽ hoàn thiện vũ khí hạt nhân cần thiết để tấn công lục địa Mỹ trong vòng 6 tháng đến 1 năm tới.


- Có cảm giác rằng sự đối kháng giữa một bên là Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản và một bên là Triều Tiên, Trung Quốc và Nga đã gia tăng kể từ hội nghị thượng đỉnh ba bên có sự tham dự của Biden, Kishida và Yoon Suk Yeol tại Trại David?


+ Trước đây, Tập Cận Bình đã kêu gọi phi hạt nhân hóa Triều Tiên, nhưng tôi cho rằng bây giờ ông ấy sẽ ủng hộ việc Triều Tiên có được năng lực hạt nhân do sự đối kháng ngày càng gia tăng giữa hai khối.


Cuộc chạy đua vũ trang của các cường quốc Mỹ, Trung Quốc và Nga đang diễn ra với tốc độ rất nhanh. Mỹ có tàu ngầm lớp Columbia và máy bay ném bom tàng hình B-21, trong khi Nga có tên lửa siêu thanh có khả năng mang vũ khí hạt nhân. Đây là một tình huống rất nguy hiểm cho thế giới.


Hàn Quốc bị bao vây tứ phía bởi các cường quốc đa cực này. Mỹ có thể gây áp lực buộc nước này phải chọn phe nào đó, nhưng họ không cần phải theo Mỹ một cách mù quáng.


Điều cần nhớ là Hàn Quốc là một quốc gia có chủ quyền. Nước này cần phải có lập trường cân bằng. Tôi biết đó không phải là một quyết định dễ dàng do tình hình địa chính trị của Hàn Quốc.


- Dù bảo thủ hay cấp tiến, chưa có chính quyền nào ở Hàn Quốc coi thường tầm quan trọng của liên minh với Mỹ. Sự khác biệt duy nhất là mức độ quan ngại của họ về mối quan hệ với Trung Quốc. Quan điểm của Chính quyền Yoon Suk Yeol là ủng hộ việc đảm bảo an ninh quốc gia thông qua liên minh Hàn-Mỹ, đồng thời tận dụng liên minh mạnh mẽ hơn với Mỹ để giải quyết các vấn đề trong mối quan hệ với Bắc Kinh. Ông nghĩ gì về điều đó?


+ Tôi đã nghe bài phát biểu của Tổng thống Yoon trước Quốc hội Mỹ. Như có thể thấy trong Tuyên bố Washington hồi tháng 4, Chính quyền Yoon Suk Yeol dường như đang tìm cách dựa vào liên minh Hàn-Mỹ về nhiều vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia của mình.


Nhưng dựa hoàn toàn vào một đồng minh để đảm bảo an ninh không phải là cách tiếp cận chiến lược đối với các vấn đề đối ngoại và an ninh quốc gia mà chúng ta thấy gần đây ở các nước trên thế giới. Ở Afghanistan, Mỹ đã cam kết bảo vệ nước này và sau đó rút lui khi tình hình trở nên bất lợi. Chúng ta không thể loại trừ hoàn toàn khả năng xảy ra tình huống như việc Mỹ rút quân trong tương lai.


Liên minh Hàn-Mỹ không phải là thuốc chữa bách bệnh. Donald Trump có thể sẽ tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm tới. Điều đó có thể tạo ra sự khó lường, khiến chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra.


Việc Hàn Quốc dựa vào Mỹ trong mọi vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia mà không có ý kiến độc lập là không phù hợp và cũng không thể thực hiện được. Họ không nên đặt niềm tin hoàn toàn vào Mỹ. Đó có thể là một sai lầm nghiêm trọng.


Mối quan hệ với Mỹ rất quan trọng, nhưng những cánh cửa khác cần phải luôn để ngỏ. Lần cuối cùng chúng ta chứng kiến kỷ nguyên mà các siêu cường là người đại diện an ninh cho từng quốc gia là vào những năm 1950. Một quốc gia không thể giao phó an ninh của mình cho một quốc gia khác.


- Ông dự đoán cuộc chiến ở Ukraine sẽ kết thúc khi nào và như thế nào? Khi cuộc chiến mới nổ ra, nhiều người dự đoán Nga sẽ thắng dễ dàng.


+ Điều đầu tiên tôi cần lưu ý là Nga chưa hề bị “đánh bại” ở Ukraine theo bất kỳ nghĩa nào. Tháng 7/2022, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết 50% lãnh thổ mà Moskva chiếm được kể từ khi tấn công Ukraine đã được thu hồi. Điều đó có nghĩa là 50% còn lại vẫn chưa được phục hồi.


Đã có hàng chục nghìn thường dân thiệt mạng, nhưng tôi không cho rằng Putin sẽ sớm kết thúc cuộc chiến này.


Chúng ta có thể sẽ thấy Nga chuyển hướng sang tấn công. Nhiều khả năng Ukraine sẽ mất thêm lãnh thổ.


Putin không thể từ bỏ Ukraine. Hãy tưởng tượng Mỹ sẽ làm gì nếu Trung Quốc gia nhập liên minh quân sự với Mexico. Cả Chính phủ Mỹ lẫn công chúng Mỹ đều không chấp nhận điều đó. Nỗ lực của Ukraine gia nhập NATO chắc chắn sẽ là mối đe dọa lớn đối với Nga.


- Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, có một số người đổ lỗi cho Ukraine vì đã cố gắng gia nhập NATO và cho rằng lẽ ra Ukraine nên thận trọng hơn. Nhưng với số thương vong khủng khiếp mà Ukraine phải gánh chịu kể từ đó, quan điểm dường như đã thay đổi, chuyển sang quy trách nhiệm nhân đạo cho Nga vì đã khơi mào chiến tranh.


+ Việc Nga xâm chiếm Ukraine là sai lầm. Nhưng tôi nghĩ nguồn gốc chính của cuộc chiến là việc Ukraine cố gắng gia nhập NATO. Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ vào tháng 11/1989, vào tháng 2/1990, Mỹ đã yêu cầu Liên Xô giúp đỡ việc thống nhất nước Đức đồng thời hứa không mở rộng NATO về phía Đông. Nhưng NATO đang dần mở rộng về phía Nga hơn với việc kết nạp 3 quốc gia vùng Baltic vào năm 2004. Nga rõ ràng sẽ bất an trước ý tưởng Ukraine gia nhập NATO. Chúng ta cần phải thận trọng hơn khi nhìn nhận cách truyền thông Mỹ đưa tin về Ukraine. Truyền thông Mỹ có xu hướng miêu tả Putin là một tay xã hội đen và Mỹ là vị cứu tinh của nhân loại. Nhưng đó không phải là toàn bộ câu chuyện.


- Một số người cho rằng Biden có ý kết thúc cuộc chiến ở Ukraine trước cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới để tạo thuận lợi cho chiến dịch tranh cử của mình?


+ Tôi không nghĩ cuộc chiến sẽ diễn ra theo cách mà Mỹ mong muốn. Đổ số tiền khổng lồ vào Ukraine sẽ không thể thay đổi đáng kể tình hình. Cuộc chiến sẽ kéo dài và ngay cả Mỹ cũng không có khả năng kết thúc nó. Các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga cũng đã thất bại. Trên thực tế, chúng gây thiệt hại nặng nề nhất cho châu Âu, vốn đang nhập khẩu khí đốt tự nhiên và các nguyên liệu thô khác từ Nga. Một lưu ý liên quan là tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đức trong năm nay đã giảm xuống còn 1%. Những hậu quả không mong đợi khác là nỗ lực phi đô la hóa của các nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) và mối quan hệ thân thiết hơn của Nga với Trung Quốc. Các biện pháp trừng phạt kinh tế của Washington chống lại Nga sẽ ngày càng trở thành vật cản đối với Mỹ.


- Chính phủ Hàn Quốc nên áp dụng lập trường nào đối với cuộc chiến ở Ukraine? Nga đã cảnh báo Hàn Quốc về việc cung cấp đạn dược cho Ukraine giống như Mỹ đã cảnh báo Triều Tiên về việc thực hiện một thỏa thuận vũ khí với Nga.


+ Kể từ khi hội nghị thượng đỉnh năm 2019 ở Hà Nội kết thúc không có kết quả, Mỹ đã mất hết uy tín với Triều Tiên. Vì vậy, Triều Tiên sẽ phớt lờ cảnh báo của Mỹ và làm theo ý mình. Nhưng Hàn Quốc thì khác. Họ cần phải giữ khoảng cách nhất định. Tôi nghĩ lựa chọn khôn ngoan là tránh tặng hoặc bán cho Ukraine bất kỳ loại đạn dược hoặc vũ khí sát thương nào khác. Tôi nghĩ Hàn Quốc nên giới hạn trong phạm vi viện trợ nhân đạo.


- Ông nghĩ sự liên kết theo kiểu Chiến tranh Lạnh mới hiện nay sẽ kéo dài bao lâu?


+ Tôi lo lắng rằng cả thế giới đều có nguy cơ chiến tranh, rằng chúng ta đang hướng tới một thời kỳ đen tối. Các quốc gia trên thế giới tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng khi họ chỉ đứng về phía bên này hay bên kia. Điều đặc biệt nguy hiểm là các cường quốc - bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Nga - đang tập trung đến mức nào cho việc phát triển vũ khí hạt nhân. Ngay cả trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô đã có các hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START), nhưng ngày nay không có dấu hiệu nào về bất kỳ điều gì tương tự. Mỹ tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng, Trung Quốc và Nga cũng đang làm theo.


Năm 1950, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ soạn thảo một tài liệu chính sách có tựa đề NSC-68. Văn kiện này cho rằng Mỹ cần tăng gấp 3 hoặc gấp 4 lần chi tiêu quốc phòng để ngăn chặn Liên Xô truyền bá chủ nghĩa cộng sản trên toàn cầu. Kể từ đó, Mỹ đã trở thành cường quốc quân sự lớn nhất thế giới, bỏ xa các nước khác. Chi tiêu hằng năm của Mỹ cho quốc phòng lớn hơn nhiều so với 9 quốc gia chi tiêu lớn nhất tiếp theo cộng lại, bao gồm cả Trung Quốc và Nga. Hiện tại, không quốc gia nào có thể có được sức mạnh quân sự sánh ngang với Mỹ. Trung Quốc đang nỗ lực, nhưng tôi cho rằng Mỹ khó có thể khoanh tay đứng nhìn.


Mỹ là quốc gia tiến hành chiến tranh. Trong 200 năm qua chỉ có 16 năm Mỹ không gây chiến ở đâu đó. Hiện nay Mỹ vẫn đang tham chiến. Họ là nước sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới, cũng là nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Mỹ chi ít nhất 800 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng mỗi năm. 842 tỷ USD tiền ngân sách đã được phân bổ cho năm tài chính 2024. Đối với Mỹ, chiến tranh cũng là một hoạt động kinh doanh. Xét tới nội dung của NSC-68, văn kiện vẫn là nền tảng của chính sách đối ngoại và quốc phòng của Mỹ, hoàn toàn không có lý do gì để nghĩ rằng thế giới sẽ hòa bình trong những năm tới.


- Bộ phim “Oppenheimer” đã trở nên cực kỳ nổi tiếng ở Hàn Quốc. Vũ khí hạt nhân là một trong những lý do chính khiến ngày nay chỉ có chiến tranh hạn chế là khả thi, chứ không phải chiến tranh tổng lực. Vũ khí hạt nhân chưa được sử dụng trong bất kỳ cuộc chiến nào kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Ông có nghĩ rằng điều này sẽ vẫn đúng trong những năm tới?


+ Đó là mấu chốt của cuộc phỏng vấn ngày hôm nay của chúng ta. Chiến tranh Triều Tiên là một bước ngoặt quan trọng trong chiến tranh hiện đại. Sự can thiệp của Trung Quốc vào cuộc chiến đã dẫn đến cuộc rút quân lớn nhất trong lịch sử của quân đội Mỹ, và Tổng thống Harry Truman phải chịu áp lực mạnh mẽ về việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Nhưng ông quyết định không sử dụng chúng. 


Lựa chọn không sử dụng vũ khí hạt nhân thật không dễ dàng trong hoàn cảnh đội quân của mình đang thua trận và buộc phải rút lui. Như chúng ta đã thấy trong “Oppenheimer”, Truman quyết định sử dụng bom nguyên tử trong Chiến tranh thế giới thứ hai, khiến cuộc chiến sớm kết thúc. Nhưng ông quyết định không sử dụng nó trong Chiến tranh Triều Tiên. Đó là một quyết định mà đáng lẽ nhờ đó ông phải được tôn trọng, nhưng nó cũng đánh dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của ông.


Thật kỳ diệu khi vũ khí hạt nhân không được sử dụng trong Chiến tranh Triều Tiên. Việc từ chối sử dụng chúng trong Chiến tranh Triều Tiên đã tạo tiền lệ để Mỹ có thể áp dụng trong Chiến tranh Việt Nam. Đó là lý do vì sao trong lịch sử chiến tranh, Chiến tranh Triều Tiên quan trọng hơn Chiến tranh Việt Nam. Theo chân Truman, Tổng thống Dwight Eisenhower đã đưa ra khái niệm “trả đũa quy mô lớn” - đe dọa trả đũa bằng hạt nhân quy mô lớn chống lại bất kỳ cuộc tấn công nào của Liên Xô - như một học thuyết an ninh cốt lõi của Mỹ. Nhưng nguyên tắc không sử dụng vũ khí hạt nhân vẫn được duy trì cho đến ngày nay.


Máy bay ném bom chiến lược, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm là 3 “chân vạc” của bộ ba hạt nhân. Việc phát triển vũ khí hạt nhân cấp megaton vẫn tiếp tục – loại vũ khí này đủ mạnh để quét sạch cả hành tinh. Đó là lý do tại sao các quốc gia có vũ khí hạt nhân tìm cách tránh gây ra mối đe dọa tới sự tồn tại của nhau. Khi cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba xảy ra dưới thời Tổng thống John F. Kennedy, hai bên đều cố gắng không trở thành mối đe dọa sống còn. Nhưng ngày nay, chúng ta đang chứng kiến những sự cố mang lại cảm giác về mối đe dọa sống còn. Ví dụ, Trung Quốc coi các cuộc khủng hoảng ở Eo biển Đài Loan là một mối đe dọa tới sự tồn tại của họ.


- Khả năng vũ khí hạt nhân được sử dụng ở Ukraine là như thế nào?


+ Tính đến thời điểm hiện tại, Nga vẫn chưa thua. Tuy nhiên, nếu nước này đạt đến điểm mà họ cho rằng mình có thể thua trong cuộc chiến, thì có khả năng nước này sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật (chứ không phải chiến lược).


Kể từ cuối những năm 1950, đầu đạn trên các ICBM Minuteman III ở Nebraska đều ghi tên Moskva. Nga có lẽ cũng có các ICBM với dòng chữ Washington và New York được viết trên đầu đạn. Việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến lược ở các thành phố lớn như vậy là vô nghĩa. Tuy nhiên, khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật nhỏ hơn nhằm vào quân đội hoặc các khu vực quân sự vẫn còn bỏ ngỏ.


Nếu Nga bị đuổi khỏi Ukraine, có khả năng nước này sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine. Vấn đề là nếu họ sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật thì có khả năng họ cũng sẽ sẵn sàng tiến thêm một bước nữa và vượt qua một ranh giới khác.


Hiện tại, cả ông Tập và ông Putin đều đang cố gắng tránh vượt qua bất kỳ ranh giới nào như vậy. Ít nhất, tôi hy vọng như vậy./.
 

Thoibaovietuc.com/Nguồn Hankyoreh

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage