Đã đến lúc Australia trở thành đối tác đầy đủ của ASEAN

Thứ Ba, 15/07/2025

1:48 am(VN)

-

4:48 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Đã đến lúc Australia trở thành đối tác đầy đủ của ASEAN

28/09/2023

Trang mạng “aspistrategist.org.au” của Australia ngày 28/9 đăng bài viết có tựa đề “Đã đến lúc Australia trở thành đối tác đầy đủ của ASEAN” của tác giả Graeme Dobell - thành viên cao cấp của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI). Nội dung bài viết như sau:
          

Khả năng Australia gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) phụ thuộc vào những thách thức mà ASEAN phải đối mặt cũng như sức mạnh của hiệp hội này. Australia cần thực hiện bước đi hợp lý tiếp theo trong lịch sử lâu dài của mình đối với việc kiên trì ủng hộ mạnh mẽ vai trò trung tâm của ASEAN.
          

Khi sự hỗn loạn trở thành trật tự tương lai của “trật tự dựa trên luật lệ” vốn đang gặp rắc rối một cách đáng buồn, Đông Nam Á thậm chí còn quan trọng hơn đối với lợi ích của Australia trong trật tự chiến lược. Mục tiêu được đặt ra hiện nay là hướng tới đạt được thỏa thuận mang tính nguyên tắc về hình thức của mối quan hệ đối tác với ASEAN vào năm tới, nhân kỷ niệm 50 năm Australia trở thành quốc gia đối thoại đầu tiên của ASEAN.
          

Trong bối cảnh địa chính trị có những biến động khó lường, đây chính là thời cơ lý tưởng để ASEAN cân nhắc “ý tưởng đầy ấn tượng” này. Đối mặt với vận mệnh ngoại giao đang mờ nhạt, ASEAN phải tăng cường sức mạnh tập thể và sự gắn kết của mình. Quan hệ đối tác của Australia sẽ là “nhân tố làm thay đổi cuộc chơi” đối với ASEAN cũng như làm thay đổi vai trò của Canberra trong cuộc chơi này. Nếu Australia nghiêm túc và bắt đầu thúc đẩy, ASEAN sẽ nhận được lợi ích to lớn - nghĩa là ASEAN thiết lập quan hệ đối tác với Australia cũng đồng nghĩa với khả năng ASEAN thiết lập quan hệ đối tác với New Zealand bởi nếu Australia hành động, thì New Zealand cũng sẽ “noi gương”.
          

Lời biện minh cho việc Australia gia nhập ASEAN đã được cựu Thủ tướng Kevin Rudd đưa ra một cách ngắn gọn trong bài viết có tựa đề “Biểu hiện của lòng dũng cảm” hồi năm 2021, đó là “Australia nên tìm cách gia nhập ASEAN, mặc dù điều này ban đầu sẽ bị nhiều thành viên hiệp hội phản đối. ASEAN đang trở nên yếu hơn và bị chia rẽ hơn theo thời gian. Tư cách thành viên của Australia sẽ giúp tăng thêm hơn 1/3 sức nặng kinh tế cho ASEAN. Ngoài ra, nó cũng sẽ giúp Australia và Indonesia quản lý mối quan hệ song phương lâu dài của riêng họ - đặc biệt khi Indonesia trở nên lớn mạnh - với tư cách là những thành viên chung của một thể chế khu vực quan trọng”.
         

Tuy nhiên, có một xu hướng mà các nhà lãnh đạo Australia đã lưu ý – đó là sự suy giảm không thể tránh khỏi về sức mạnh tương đối của Australia so với Đông Nam Á. Cách đây gần 50 năm, nền kinh tế Australia lớn hơn nhiều so với nền kinh tế chung của khu vực. Thế nhưng, điều đó đã qua lâu rồi. Việc cựu Thủ tướng Rudd đề cập đến sự tăng trưởng kinh tế mà Australia có thể mang lại là đúng, nhưng sức mạnh tương đối của Australia vẫn tiếp tục giảm không thể tránh khỏi. Và Australia hiện hoan nghênh sức mạnh cũng như sự giàu có ngày càng tăng của một khu vực có 688 triệu dân. Nền tảng kinh tế bị mất phản ánh thực tế rằng Australia có tầm quan trọng chiến lược đối với Đông Nam Á ít hơn trước đây. Australia nên gia nhập ASEAN vì cần phải làm như vậy.
          

Lời kêu gọi Australia gia nhập ASEAN năm 2012 của cựu Thủ tướng Paul Keating đi kèm sự đồng tình về việc quyền lực và ảnh hưởng của Australia đang bị thu hẹp. Cựu Thủ tướng Paul Keating cho rằng trong tương lai, việc Australia hợp tác với ASEAN là điều “hoàn toàn tự nhiên”. Ông nói: “Về lâu dài, chúng ta nên là thành viên của tổ chức này - chính thức hóa nhiều lợi ích thương mại, giao thương và chính trị mà chúng ta vốn vẫn chia sẻ với ASEAN. Đây là nơi tự nhiên mà nước Australia thuộc về; thực sự là thứ mà chúng ta nên gán cho tính ưu việt”.
         

Công thức để Australia gia nhập ASEAN được trình bày chi tiết trong một báo cáo mà tác giả gửi ASPI năm 2018 với tựa đề “Australia là đối tác của Cộng đồng ASEAN”. Báo cáo có đoạn hiệp hội nên tạo ra một nhóm đối tác mới cho Australia và New Zealand. Đó cũng là quan điểm của nguyên Tổng thư ký ASEAN Ong Keng Yong. Cụm từ “đối tác” sẽ bỏ qua quyền phủ quyết về mặt địa lý ("Họ không ở Đông Nam Á; họ không thể là một phần của ASEAN"). Tiếp nhận tất cả các quyền và nghĩa vụ của một thành viên với một đối tác. Tiêu đề mà tác giả đặt cho hình thức mới này là “Các đối tác Cộng đồng ASEAN”. Hãy xem cách giải quyết cổ điển của ASEAN: trao quyền thành viên cho Australia và New Zealand nhưng gọi đó là một số hình thức siêu hợp tác. 
            

Đầu tiên và quan trọng nhất, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho rằng người Australia nên thuộc về ASEAN. Cách đây 5 năm, ông nói việc Australia gia nhập hiệp hội là “một ý tưởng hay”. Ông kết thúc nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 10 năm sau đó. Một thỏa thuận mang tính nguyên tắc về quan hệ đối tác trong năm cuối cùng tại nhiệm của ông sẽ là một động thái xây dựng khu vực cũng phản ánh lợi ích của Indonesia. Như Widodo đã tuyên bố trong bài phát biểu trước Quốc hội Australia năm 2020, “Australia là người bạn thân nhất của Indonesia”.
            

Điều đáng vui mừng sau hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Sydney năm 2018 khi có thông tin từ Jakarta rằng tài liệu cuối cùng mà Widodo đã xem xét trước cuộc gặp song phương với Thủ tướng Malcolm Turnbull là báo cáo của ASPI rằng Australia là đối tác của Cộng đồng ASEAN. Với sự ủng hộ của Indonesia, các thành viên còn lại của ASEAN sẽ sẵn sàng thảo luận về ý tưởng hợp tác.
             

Singapore luôn là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất việc Australia gia nhập ASEAN. Ngày nay, Malaysia ủng hộ hơn là phản đối (ngay cả kẻ thù lớn của Australia trong những năm qua, cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad, cũng đã suy nghĩ rằng Australia có thể “có quyền” tham gia). Philippines dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. cũng tỏ ra nồng nhiệt hơn (với Australia) so với chính quyền của người tiền nhiệm Rodrigo Duterte.
         

Bầu không khí trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 6 của Thủ tướng Anthony Albanese, nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao, đã nêu bật mối quan hệ giữa “một đối tác chiến lược và kinh tế với một người bạn lâu dài”. Việc Hà Nội đồng ý để Australia gia nhập ASEAN là hoàn toàn có thể.            
          

Trong khi đó, vượt qua những ám ảnh nội tâm của nền chính trị quân sự, chính phủ mới ở Thái Lan có khả năng cởi mở hơn, do đó hoàn toàn có thể nói “đồng ý” với việc Australia gia nhập ASEAN. Và Brunei cũng vậy.
          

Chế độ quân sự của Myanmar, bị lên án và bị trục xuất khỏi các hội đồng ASEAN, hiện không có tiếng nói (hoặc quyền phủ quyết) trong hiệp hội. Với việc Myanmar bị gạt sang một bên, 7 thành viên ASEAN có thể là những người ủng hộ hoặc mang lại lợi ích cho Australia. 
          

Trong khi đó, các thành viên ASEAN gần gũi nhất với Trung Quốc như Campuchia và Lào đều không đồng tình với việc Australia gia nhập ASEAN. Nguyên tắc đồng thuận của ASEAN có nghĩa là chỉ cần một lá phiếu phủ quyết, Australia cũng khó gia nhập ASEAN. Tuy nhiên, Campuchia vừa có sự thay đổi lãnh đạo. Hun Sen đã giao chức vụ đứng đầu cho con trai của ông là Hun Manet. Các vấn đề của ASEAN có thể là lĩnh vực mà Hun Manet được phép thể hiện sự khác biệt so với cha mình.
          

Sự phản đối chính đối với việc Australia và New Zealand gia nhập ASEAN sẽ đến từ bên ngoài, đó là Trung Quốc. Thế nhưng, điều kỳ lạ là sự thù địch của Trung Quốc lại có ích. Lần gần đây nhất Trung Quốc dựa vào hiệp hội này để đóng cửa với Canberra và Wellington – khi tổ chức Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) – nỗ lực này đã phản tác dụng. ASEAN chưa sẵn sàng tuân theo quyền phủ quyết của Trung Quốc; Australia và New Zealand tham gia với tư cách là thành viên đầu tiên của EAS. Khi Trung Quốc gây áp lực đối với ASEAN, điều này buộc hiệp hội phải suy nghĩ về cả những khoảnh khắc phản kháng mang tính biểu tượng và thực chất.
          

Australia đã và đang làm rất nhiều việc mang tính nền tảng. Tháng 10/2021, hội nghị cấp cao thường niên ASEAN-Australia lần đầu tiên đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Chính phủ Công đảng đã thực hiện lời hứa bổ nhiệm đặc phái viên phụ trách khu vực Đông Nam Á, cụ thể là bổ nhiệm ông Nicholas Moore - cựu Giám đốc điều hành Tập đoàn Macquarie - vào vai trò này hồi tháng 11/2022.  
          

Đại sứ của Australia tại ASEAN, cụ thể là tại Jakarta, đảm nhiệm vai trò chính trị cấp cao, trong khi đặc phái viên đảm nhiệm vai trò kinh tế cấp cao. Chính phủ Australia vừa công bố báo cáo của ông Nicholas Moore có tựa đề “Chiến lược kinh tế Đông Nam Á của Australia đến năm 2040”. 
          

Văn phòng Đông Nam Á được thành lập trực thuộc Bộ Ngoại giao và Thương mại (DFAT) vào năm ngoái để điều phối các nỗ lực toàn quốc của Australia nhằm tăng cường hợp tác với Đông Nam Á. DFAT đã nói về “ý nghĩa sâu sắc của ASEAN đối với tương lai của Australia” và đối với sự cân bằng chiến lược trong khu vực.
          

Thỏa thuận nâng cấp khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA) cũng đã được nhất trí. Đây là một điềm tốt bởi việc hoàn tất các cuộc đàm phán gian khổ trong thập kỷ đầu thế kỷ đã tạo nên vòng cung chiến thắng để Australia và New Zealand tiến tới EAS.
          

Quốc gia vẫn cần phải được thuyết phục và cam kết – hơn bao giờ hết – là Australia. Canberra phải quyết định trước khi ASEAN làm điều tương tự. Sự thay đổi đáng kể phải nằm ở tư duy của người Australia. Những lập luận cuối cùng sẽ không phải về địa lý của Đông Nam Á mà là về thái độ, sự hiểu biết và niềm tin./. 

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn aspistrategist.org.au

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage