Ảnh hưởng của khủng hoảng Israel-Hamas đối với ASEAN

Thứ Hai, 14/07/2025

8:44 pm(VN)

-

11:44 pm(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Ảnh hưởng của khủng hoảng Israel-Hamas đối với ASEAN

12/10/2023

Chính phủ các nước Đông Nam Á đưa ra quan điểm khác nhau về cuộc tấn công của Hamas vào Israel, chứng tỏ tình trạng phân cực ngày càng tăng trong nội bộ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).


Sau đợt xung đột mới nhất ở Trung Đông, Phủ Tổng thống Philippines ra tuyên bố: “Philippines gửi lời cảm thông và chia buồn sâu sắc nhất tới những người đã mất đi người thân trong các cuộc tấn công gần đây”. Khi đề cập đến các cuộc tấn công chưa từng có của phiến quân Hamas trên khắp Israel khiến hàng trăm người thiệt mạng, trong đó có cả dân thường, Manila nói thêm: “Philippines lên án các cuộc tấn công, đặc biệt là những cuộc tấn công nhằm vào dân thường”.


Trái ngược hoàn toàn với lập trường của Philippines, nước láng giềng Malaysia tái khẳng định đứng về phía người dân Palestine trước cuộc tấn công của Hamas vào Israel. Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim chỉ trích trên mạng xã hội rằng tin tức toàn cầu về đợt bạo lực gần đây nhất mang tính một chiều, đồng thời nhấn mạnh số phận của những người Palestine bị tước đoạt đất đai từ lâu đã bị “cầm tù” ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.


Trong một bài viết đăng trên trang X đề cập đến tình trạng hàng loạt người Palestine phải phải tha hương sau xung đột Arập-Israel kéo dài nhiều thập kỷ, Thủ tướng Anwar cho biết: “Chính phủ Israel đã liên tục tịch thu đất đai và tài sản của người Palestine. Hậu quả của hành động bất công này là hàng trăm người vô tội thiệt mạng”. Do đó, theo ông, tội lỗi thuộc về Israel. Trong một tuyên bố với lời lẽ quyết liệt, Bộ Ngoại giao Malaysia cho rằng Israel là kẻ chiếm đóng và là nguyên nhân khiến người Palestine rơi vào tình trạng bị chiếm đóng, phong tỏa bất hợp pháp và phải sống trong cảnh khốn khổ suốt một thời gian dài.


Indonesia, với đa phần dân số là người Hồi giáo, cũng nhắc lại việc họ ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập của người Palestine. Khi đề cập đến nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tán thành giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Palestine-Israel, quốc gia lớn nhất Đông Nam Á cũng lập luận rằng gốc rễ của cuộc xung đột, cụ thể là việc Israel chiếm đóng các vùng lãnh thổ của người Palestine, phải được giải quyết theo hướng phù hợp với những tiêu chí đã được Liên hợp quốc nhất trí thông qua.


Tuy nhiên, với tư cách cường quốc toàn cầu mới nổi, Indonesia đã cố gắng thể hiện vai trò lãnh đạo bằng cách nhấn mạnh việc cần lập tức chấm dứt bạo lực để tránh gây thêm thương vong. Trong những năm gần đây, quốc gia Đông Nam Á, nền dân chủ lớn thứ ba thế giới này đã cố gắng thể hiện mình là nhà kiến tạo hòa bình tiềm năng ở nhiều khu vực xung đột, bao gồm cả ở Trung Đông và Đông Âu.


Về phần mình, hai quốc gia Đông Nam Á quan trọng khác là Việt Nam và Thái Lan đã thể hiện lập trường thậm chí còn trung lập hơn về cuộc xung đột đang leo thang, phản ánh bất đồng sâu sắc giữa các thành viên chủ chốt của ASEAN về một cuộc xung đột lớn.


Bất đồng lợi ích


Trong những năm gần đây, ASEAN đã phải nỗ lực vượt qua sự chia rẽ sâu sắc do nhiều cuộc khủng hoảng ở “sân sau” của mình. Một mặt, tổ chức khu vực này không thống nhất được một chiến lược chung nhằm giải quyết các tranh chấp đang căng thẳng ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).


Sau nhiều thập kỷ đàm phán, các quốc gia Đông Nam Á vẫn chưa đạt được đồng thuận về việc Trung Quốc mở rộng sự hiện diện quân sự ở vùng biển tranh chấp. Mặc dù Indonesia là Chủ tịch ASEAN năm nay, nhưng kế hoạch của họ về diễn tập hải quân toàn ASEAN đã bị các quốc gia thành viên thân thiện với Trung Quốc phá vỡ trong khi Philippines, đồng minh của Mỹ, hoàn toàn phớt lờ sự kiện này.


Sự chia rẽ thậm chí còn thể hiện rõ rệt hơn ở thái độ về cuộc nội chiến ngày càng khốc liệt ở Myanmar. Trong khi Indonesia và Malaysia ủng hộ lập trường quyết liệt hơn chống lại chính quyền quân sự và ủng hộ chính phủ được bầu cử dân chủ ở Myanmar, thì Thái Lan và Campuchia lại ủng hộ việc tiếp xúc trực tiếp với các tướng lĩnh cầm quyền. Hết lần này đến lần khác, ưu tiên hàng đầu của chính trị trong nước và lợi ích quốc gia đã phá hủy sự đoàn kết của ASEAN.


Là đồng minh hiệp ước của Mỹ, Philippines trước nay vẫn ủng hộ lập trường của Israel hơn. Trên thực tế, lá phiếu của quốc gia Đông Nam Á này đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập nhà nước Israel. Mối quan hệ kinh tế song phương cũng rất bền chặt: Vào những năm 1980, có tới 100.000 người Philippines làm việc ở Israel.


Văn phòng Truyền thông Tổng thống Philippines (PCO) cho biết chính phủ đang phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Philippines tại Tel Aviv và Phòng Quản lý lao động di cư (MWO) ở Israel để đảm bảo an toàn và phúc lợi cho những người Philippines bị ảnh hưởng trong cuộc xung đột đang diễn ra, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn cho gần 29.000 lao động Philippines trong đợt bạo lực gần đây nhất.


Hai nước cũng có 14 thỏa thuận song phương lớn và đang thăm dò các mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn, bao gồm cả khả năng mua hệ thống tên lửa và giám sát tinh vi giữa lúc Philippines đang thực hiện chương trình hiện đại hóa quân sự.


Mặc dù trên danh nghĩa là đồng minh hiệp ước của Mỹ, nhưng Thái Lan có truyền thống duy trì lập trường trung lập về các cuộc xung đột mang tính phân cực. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết: “Thái Lan kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế mọi hành động có thể làm leo thang căng thẳng và cùng cộng đồng quốc tế lên án mọi hành vi sử dụng bạo lực và tấn công bừa bãi. Chúng tôi hy vọng tình hình ở Israel sẽ sớm trở lại bình thường”. Bộ này còn tuyên bố Chính phủ Thái Lan quan ngại sâu sắc về sự an toàn của công dân Thái Lan đang làm việc tại Israel bị ảnh hưởng bởi những vụ bạo lực như vậy, đồng thời nhấn mạnh quan ngại về sự an toàn của công dân Thái Lan đang sinh sống và làm việc tại quốc gia Trung Đông này. 


Về phần mình, Việt Nam bày tỏ quan ngại sâu sắc và thể hiện lập trường giống với các cường quốc phương Đông như Trung Quốc và Nga, vốn không trực tiếp ủng hộ Israel. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết: “Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh những hành động khiến tình hình trở nên phức tạp và sớm nối lại đàm phán để giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng thời đảm bảo sự an toàn và lợi ích chính đáng của người dân”.


Sát cánh cùng Palestine


Các chính phủ được bầu cử dân chủ ở Malaysia và Indonesia, nơi phần lớn dân số theo đạo Hồi và ủng hộ mạnh mẽ sự nghiệp của người Palestine, lại có quan điểm hoàn toàn khác nhau.


Bộ Ngoại giao Malaysia mới đây cho biết: “Người Palestine đã phải sống trong tình trạng bị chiếm đóng, phong tỏa bất hợp pháp và khốn khổ suốt một thời gian dài, phải chứng kiến cảnh các nhà thờ Hồi giáo bị xâm phạm, và bị Israel với tư cách kẻ chiếm đóng tước đoạt của cải”. Theo Bộ Ngoại giao Malaysia, ở thời điểm quan trọng này, cần chấm dứt mọi hành động gây mất mát, đau khổ và thiệt hại hơn nữa; khuyến khích các bên hết sức kiềm chế và giảm leo thang; đồng thời cản trở Israel thực hiện mọi phản ứng có thể gây đau khổ cho người dân Palestine trong vùng chiếm đóng.


Malaysia cũng nhắc lại tầm quan trọng của việc thực hiện các thỏa thuận quốc tế liên quan nhằm đạt được hòa bình, đồng thời kêu gọi Liên hợp quốc lập tức hành động để giảm leo thang xung đột. Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết: “Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nên khẩn trương triệu tập phiên họp khẩn cấp để yêu cầu tất cả các bên chấm dứt bạo lực, cũng như tôn trọng và bảo vệ mạng sống của người dân vô tội”.


Là quốc gia với số lượng người Hồi giáo lớn nhất thế giới, Indonesia nhìn chung cũng có quan điểm ủng hộ sự nghiệp của người Palestine. Cách đây vài năm, các nhà lãnh đạo Indonesia đã công khai chỉ trích quyết định của Mỹ về việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, gây tổn hại cho nhà nước Palestine độc lập trong tương lai theo các thỏa thuận liên quan của Liên hợp quốc, đồng thời cảnh báo điều này có thể ảnh hưởng đến an ninh và sự ổn định toàn cầu.


Tổng thống Joko Widodo tái khẳng định cam kết với các vùng lãnh thổ Palestine khi Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh đến thăm Jakarta hồi tháng 10/2022. Indonesia đã xây dựng một bệnh viện ở Beit Lahiya thuộc Dải Gaza vào năm 2011 bằng tiền do người Indonesia quyên góp.


Tư tưởng chống Israel đang lan rộng ở quốc gia Đông Nam Á này. Đầu năm 2023, FIFA đã thu hồi quyền đăng cai World Cup U20 của Indonesia trong bối cảnh có các cuộc biểu tình phản đối việc Israel tham gia giải đấu. Trong một tuyên bố, Tổng thống Widodo cho biết Indonesia hỗ trợ người Palestine ở 3 phương diện là ngoại giao, thương mại và viện trợ nhân đạo.


Tuy nhiên, vẫn còn phải xem quốc gia Đông Nam Á này sẽ làm thế nào để dung hòa các lợi ích xung đột nhau của chính họ trong vấn đề này, chưa nói đến việc củng cố một khu vực bị chia rẽ nghiêm trọng với quan điểm hoàn toàn khác nhau về cuộc xung đột gần đây nhất ở Trung Đông./.
 

Thoibaovietuc.com/Nguồn asiatimes.com

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage