Gần một nửa người Úc thay đổi chế độ ăn khi thực phẩm đắt đỏ

Chủ nhật, 27/04/2025

7:42 am(VN)

-

10:42 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Gần một nửa người Úc thay đổi chế độ ăn khi thực phẩm đắt đỏ

21/02/2025

Báo cáo Sức khỏe Quốc gia của Body+Soul cho thấy gần một nửa dân số Úc (49%) coi chi phí sinh hoạt là rào cản lớn nhất đối với việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh. Hơn 60% cho biết giá cả tăng cao ảnh hưởng đến khả năng mua thực phẩm tươi sống.

Hiện nay, cứ 10 người thì có một người đang theo đuổi chế độ ăn kiêng, trong đó phổ biến nhất là chế độ không chứa gluten (25%), ăn chay (24%) và ăn giàu protein (20%). Đáng chú ý, việc giảm cân không còn là động lực chính thúc đẩy họ lựa chọn chế độ ăn này, mà thay vào đó là sức khỏe tổng thể.

Chế độ ăn kiêng ngày càng phổ biến

Nhiều người Úc đang hướng tới chế độ ăn cân bằng nhằm nâng cao năng lượng, tinh thần minh mẫn và sức khỏe dài lâu. Đặc biệt, thế hệ Millennials và Gen Z có xu hướng chọn ăn kiêng vì lý do đạo đức và môi trường, trong khi thế hệ Baby Boomers chủ yếu thay đổi chế độ ăn theo khuyến nghị y tế.

Chế độ ăn không chứa gluten đặc biệt phổ biến, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về nó. Gluten là một loại protein có trong lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen. Những người mắc bệnh celiac hoặc không dung nạp gluten phải tránh thực phẩm chứa thành phần này để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hệ tiêu hóa và sức khỏe.

Tiến sĩ Libby Weaver, chuyên gia dinh dưỡng sinh hóa, cho biết chế độ ăn có nguồn gốc thực vật không chỉ có lợi cho sức khỏe mà còn giúp giảm chi phí. "Những thực phẩm giàu protein như đậu có giá cả phải chăng và vẫn đảm bảo giá trị dinh dưỡng", bà nói.

Chi phí thực phẩm ngày càng đắt đỏ

Chỉ số giá tiêu dùng mới nhất cho thấy giá thực phẩm tại Úc tiếp tục leo thang. Trong thập kỷ qua, giá thịt bò và bê đã tăng 59%, thịt cừu tăng 41%, thịt lợn tăng 30% và thịt gà tăng 18%. Trong khi đó, lương chỉ tăng 28%.

Chuyên gia dinh dưỡng Lyndi Cohen lưu ý rằng, trung bình một hộ gia đình Úc chi khoảng 208 đô la mỗi tuần cho thực phẩm. "Nếu bạn gặp khó khăn trong việc chi trả sinh hoạt phí, thì không cần thiết phải mua những sản phẩm đắt đỏ như bột protein giá 50 đô la", cô nói.

Hiểu biết về dinh dưỡng còn hạn chế

Dù 64% người tham gia khảo sát cho biết họ có hiểu biết về dinh dưỡng, một nửa thừa nhận họ gặp khó khăn trong việc xác định thực phẩm nào là lành mạnh. Theo Tiến sĩ Weaver, nhiều người cảm thấy bị "choáng ngợp" bởi các xu hướng ăn uống mới và cho rằng họ phải mua thực phẩm đắt tiền để có một chế độ ăn lành mạnh.

"Thực phẩm đã trở nên quá phức tạp, trong khi thực tế, ăn uống lành mạnh không cần phải cầu kỳ hay tốn kém", bà nói.

Cân bằng chế độ ăn uống một cách hợp lý

Chuyên gia Lyndi Cohen nhấn mạnh rằng tính linh hoạt trong ăn uống giúp duy trì sức khỏe mà không cần tốn quá nhiều chi phí. "Ăn đa dạng thực phẩm, nấu ăn tại nhà và lập kế hoạch bữa ăn là những cách tiết kiệm nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng", cô chia sẻ.

Việc hạn chế quá nhiều nhóm thực phẩm có thể làm tăng gánh nặng tài chính, do đó, tiếp cận dinh dưỡng một cách linh hoạt và cân bằng là chìa khóa giúp duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, bền vững./.


 

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage