Khả năng Donald Trump trở lại chính trường

Thứ Hai, 14/07/2025

6:01 pm(VN)

-

9:01 pm(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Khả năng Donald Trump trở lại chính trường

21/09/2023

Tạp chí Foreign Affairs mới đây có bài bình luận về nội dung: việc Donald Trump có thể quay trở lại chính trường gây lo lắng cho đồng minh của Mỹ và gieo hy vọng cho đối thủ của nước này.


Đối với hầu hết các quốc gia, chính sách đối ngoại của Chính quyền Biden cho thấy trạng thái bình thường đã trở lại sau những năm hỗn loạn dưới thời Donald Trump. Mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh và đối tác lâu năm được củng cố. Những kẻ chuyên quyền không còn phải đối mặt với một tổng thống Mỹ muốn cạnh tranh với họ. Các cường quốc đối thủ phải đối mặt với một nước Mỹ luôn tìm cách đánh bại họ. Đối với nhiều nhà quan sát, khó có thể không đưa ra kết luận rằng dưới thời Tổng thống Biden, Mỹ đã quay lại truyền thống chủ nghĩa quốc tế tự do thời hậu chiến. Theo quan điểm này, Chính quyền Trump là điểm sáng chóng tàn hơn là dấu mốc quan trọng. Trạng thái cân bằng đã được phục hồi.
 

Tuy nhiên, dưới lớp vỏ yên bình đó, nhiều tác nhân toàn cầu đang lo ngại về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024. Bất chấp 4 cáo trạng hình sự, Trump vẫn là ứng cử viên hàng đầu trong cuộc đua giành đề cử của đảng Cộng hòa cho vị trí tổng thống. Cuộc thăm dò gần đây cho thấy một cuộc chạy đua ngang tài ngang sức giữa Trump và Biden trong cuộc tổng tuyển cử. Các nhà lãnh đạo khác trên thế giới sẽ bị cho là bất cẩn nếu bác bỏ khả năng Trump sẽ bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai vào ngày 20/1/2025. Quả thực, người hiểu rõ điều này nhất chính là Biden. Trong bài phát biểu chung đầu tiên trước Quốc hội, Biden cho biết trong các cuộc đối thoại với các nhà lãnh đạo khác trên thế giới, ông từng tuyên bố “Nước Mỹ đã trở lại” và phản ứng thường là các cách nói khác nhau của câu “Nhưng trở lại trong bao lâu?”.


Để hiểu rõ quan hệ quốc tế trong 15 tháng tới, giới quan sát sẽ cần phải tính đến ảnh hưởng của việc Trump có thể trúng cử nhiệm kỳ thứ hai đối với vị thế của Mỹ trên thế giới. Các đồng minh cũng như đối thủ của Mỹ đều đã tính đến điều này. Các nhà lãnh đạo nước ngoài thừa nhận rằng nhiệm kỳ thứ hai của Trump thậm chí còn có thể cực đoan và hỗn loạn hơn nhiệm kỳ đầu. Viễn cảnh ông trở lại Nhà Trắng sẽ khuyến khích các đồng minh của Mỹ thực hiện chiến lược phòng ngừa rủi ro và thôi thúc các đối thủ củng cố quyết tâm. Chẳng hạn, quan chức Nga và Trung Quốc từng nói với các nhà phân tích rằng họ hy vọng Trump tái đắc cử. Đối với Nga, sự trở lại của Trump đồng nghĩa với việc phương Tây giảm bớt sự ủng hộ đối với Ukraine. Trong khi đó, đối với Trung Quốc, điều này có nghĩa là liên minh của Mỹ với các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc, vốn giúp kiềm chế Trung Quốc, bị rạn nứt. Động thái chính sách đối ngoại tốt nhất của Chính quyền Biden trong năm tới sẽ không phải là đưa ra một sáng kiến ngoại giao hay quân sự – mà là chứng tỏ rằng Trump khó có thể giành chiến thắng vào tháng 11/2024.


Hàng rào đã được sửa?


Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Trump đã làm xáo trộn mạng lưới đồng minh và đối tác dày đặc mà Mỹ đã nỗ lực xây dựng trong 75 năm trước đó. Đối với các đồng minh lâu đời ở châu Âu, Mỹ Latinh và Vành đai Thái Bình Dương, Mỹ đã có một loạt hành vi thất thường gây hoang mang. Trump chỉ trích các đồng minh chưa đóng góp đầy đủ vào an ninh chung và cướp đi các thỏa thuận thương mại của Mỹ. Ông liên tục đe dọa sẽ rút Mỹ khỏi các hiệp định từng được cho là bất khả xâm phạm như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ-Hàn và Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Trong khi đó, mặc dù các đối thủ của Mỹ cũng phải đối mặt với cơn giận dữ thường trực của Trump, nhưng xét về nhiều mặt, đó là thời điểm tốt nhất đối với họ. Trump đã nhún nhường lấy lòng Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Chính quyền Trump đã cân nhắc giữa việc ép buộc và giúp đỡ các quốc gia này, và chiến lược thứ hai thường mang lại hiệu quả. Các nhà cầm quyền của những nước này vui vẻ bỏ túi những lợi ích thu được từ quan hệ căng thẳng của Mỹ với các đồng minh. Tập Cận Bình có thể đến Davos vào năm 2017 và đưa ra tuyên bố đầy ấn tượng rằng Trung Quốc, chứ không phải Mỹ, là cường quốc hiện tại. Putin có thể đã chờ đợi thời cơ trong khi Nhà Trắng của Trump rút đại sứ Mỹ khỏi Ukraine và giữ lại các hệ thống vũ khí Javelin nhằm ép buộc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phải hỗ trợ chiến dịch tái tranh cử của Trump vào năm 2020. Putin hay Tập Cận Bình không cần thiết phải hành động liều lĩnh khi đối thủ của họ đang hủy hoại chính mình.
 

Chiến thắng của Biden trước Trump vào năm 2020 nhìn chung đã chấm dứt lối hành xử kỳ quặc này. Biden đã tái khẳng định các liên minh truyền thống ở mức độ chưa từng thấy kể từ thời Tổng thống George H. W. Bush. Như cựu Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ Richard Haass từng nói, Biden đã chuyển đổi chính sách đối ngoại của Mỹ – từ “nước Mỹ trước tiên” sang “liên minh trước tiên”. Biden đã tham vấn nhiều nhà lãnh đạo châu Âu khi lên kế hoạch đối phó với cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, dẫn đến việc hợp tác xuyên Đại Tây Dương phát triển đến mức khiến ngay cả Putin cũng phải kinh ngạc. Tương tự, Chính quyền Biden đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều đồng minh trong việc đối phó với Trung Quốc: áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu với sự tư vấn của Nhật Bản và Hà Lan; củng cố Bộ tứ, liên minh quốc phòng gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ; và phát triển Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, diễn đàn do Mỹ đứng đầu gồm 14 quốc gia, trong đó có Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Cuộc thăm dò dư luận được tiến hành đối với một nhóm gồm 23 quốc gia như Hungary, Nhật Bản và Nigeria cho thấy phần lớn thế giới có thái độ tích cực với nước Mỹ dưới thời Biden hơn là với nước Mỹ dưới thời Trump.
 

Đồng thời, các đối thủ như Nga và Trung Quốc đã điều chỉnh để thích ứng với một tổng thống Mỹ nói là làm trong cuộc cạnh tranh với các cường quốc. Trump từng gay gắt chỉ trích Trung Quốc, nhưng cuối cùng ông vẫn quan tâm đến việc đạt được thỏa thuận hơn là thúc đẩy lợi ích của Mỹ – được thể hiện chẳng hạn qua việc ông thúc đẩy hoàn tất thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 với Trung Quốc đầu năm 2020 mà không phải dồn ép Chính phủ Trung Quốc trước sự bùng phát của đại dịch COVID-19. Cách tiếp cận của ông đối với Nga dễ thay đổi. Chính Trump từng nói ông là “người quan trọng nhất đối với Putin”. Trong khi đó, Chính quyền Biden tỏ ra sẵn sàng huy động chính phủ liên bang chống lại chế độ chuyên quyền ở cả hai nước này – Đạo luật CHIPS và Khoa học cũng như Đạo luật Giảm lạm phát là những đạo luật thể hiện tham vọng lớn hơn nhiều so với bất kỳ đạo luật nào được thông qua trong những năm Trump nắm quyền. Những biện pháp này nhằm mục đích hiện thực hóa điều mà Trump chỉ mới đề cập đến: đưa các ngành công nghiệp quan trọng về nước.
 

Biden cũng thành thạo hơn nhiều trong việc thu hút đồng minh và đối tác mới. NATO đã mở rộng để kết nạp thêm Phần Lan và sắp tới là Thụy Điển. Quan hệ đối tác ba bên Nhật-Hàn-Mỹ ở Đông Bắc Á đã được tăng cường; việc các nhà lãnh đạo của những nước này tập hợp tại Trại David vào tháng 8 vừa qua hẳn là điều không thể tưởng tượng được trong những năm Trump nắm quyền. Biden đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Việt Nam trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Hà Nội vào tháng 9, làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai quốc gia vốn đang cảnh giác với chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc. Hiện tại, hiệp ước AUKUS với Australia và Anh đã củng cố mối quan hệ hợp tác an ninh của Mỹ với những đồng minh chủ chốt này. Mỹ đã tăng cường hợp tác song phương với Đài Loan. Các công ty của Nga và Trung Quốc đều phát hiện ra rằng họ khó có thể thoát khỏi trật tự quốc tế tự do.
 

Vì các đối thủ của Mỹ nhận thấy họ ngày càng bị cô lập, nên giới tinh hoa ở những nước này đang nuôi hy vọng về vận may bất ngờ trong tương lai – với dấu hiệu báo trước là khả năng Trump trở lại ghế tổng thống vào năm 2025. Các nhà quan sát Trung Quốc cho biết Trump được nhắc nhiều trong các chuyến thăm của họ đến Bắc Kinh hơn là ở Mỹ. Quan chức Trung Quốc hy vọng Chính quyền Trump sẽ lại chỉ trích các liên minh của Mỹ nếu đắc cử nhiệm kỳ thứ hai. Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách ở châu Âu và Mỹ đều nhất trí rằng Putin ít có khả năng thay đổi chiến thuật ở Ukraine cho đến sau cuộc bầu cử năm 2024. Trả lời phỏng vấn của CNN vào tháng 8/2023, một quan chức Mỹ cho biết: “Putin biết Trump sẽ giúp ông ấy. Ukraine cũng như các đối tác châu Âu cũng vậy”. Các đồng minh châu Âu đang suy tính – nói đúng hơn là đang lo sợ – khả năng Trump đắc cử nhiệm kỳ thứ hai.
 

Một số nhà quan sát cho rằng mặc dù Trump đã thực hiện chính sách đối ngoại khác thường khi còn là tổng thống, nhưng ông không hành động bốc đồng. Ông không rút Mỹ khỏi WTO hay NATO, cũng không rút quân đội Mỹ khỏi Vành đai Thái Bình Dương. Các chuyên gia này cho rằng nhiệm kỳ thứ hai của Trump sẽ lại gây ồn ào giống như nhiệm kỳ đầu tiên. Nhận định này là sai lầm. Nhiệm kỳ thứ hai của Trump sẽ diễn ra với các thể chế đối kháng thậm chí còn yếu kém hơn so với năm 2016. Trump sẽ nhận được sự ủng hộ của các đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội, vốn ủng hộ ông hơn là ban lãnh đạo đảng Cộng hòa bảo thủ cách đây 5 năm.

 

Theo tờ The New York Times, nếu tái đắc cử, Trump “có kế hoạch thanh lọc các cơ quan tình báo, Bộ Ngoại giao và bộ máy quốc phòng để loại bỏ các quan chức mà ông cho là thuộc ‘tầng lớp chính trị bệnh hoạn căm ghét đất nước chúng ta’”. Hầu như không có ai trong đội ngũ hoạch định chính sách đối ngoại của Trump có thành tích lãnh đạo đáng kể trong lĩnh vực ngoại giao và quân sự để ngăn cản những ý tưởng ngông cuồng nhất của ông. Sẽ không có James Mattis, Bộ trưởng Quốc phòng trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, hay thậm chí không có John Bolton, cựu Cố vấn an ninh quốc gia, để phân tích cho Trump về những hành động hấp tấp của ông hoặc thuyết phục Trump rằng ông không thể ném bom Mexico hay chấm dứt hành động tấn công của Nga tại Ukraine chỉ trong một ngày. Tình hình nhiệm kỳ thứ hai của Trump sẽ gần giống với tình trạng hỗn loạn trong những tháng cuối của nhiệm kỳ đầu tiên, khi Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ tiến gần đến việc ném bom Iran và đơn phương rút lực lượng Mỹ khỏi nhiều điểm rắc rối như Somalia hay Syria. Một cựu quan chức Đức đã nói với tờ The New York Times: “Trump hiện đã có kinh nghiệm cũng như biết cách thực sự theo đuổi một mục tiêu nhất định, và ông ấy đang giận dữ”. Một quan chức châu Âu khác đã ví Trump trong nhiệm kỳ thứ hai với nhân vật kẻ hủy diệt trong phần hai của loạt phim cùng tên, xoay quanh một sát thủ người máy thậm chí còn nguy hiểm và tinh vi hơn bản gốc do Arnold Schwarzenegger thủ vai.
 

Trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên, Trump thường xuyên sử dụng chính sách đối ngoại của Mỹ để phục vụ các ý tưởng chính trị của riêng mình. Ông đã phải đối mặt với một số hậu quả; việc Trump yêu cầu Zelensky tung tin đồn xấu về Biden (bất kể đúng sai) để đổi lại việc Washington chuyển vũ khí cho Kiev đã dẫn đến 1 trong 2 cuộc luận tội của Trump. Nếu Trump tái đắc cử bất chấp 2 cuộc luận tội này – và 4 cáo trạng hình sự mới – thì ông ấy sẽ cảm thấy thực sự không bị kiềm chế và do đó không hối cải. Nhiệm kỳ thứ hai của Trump sẽ khiến cho nhiệm kỳ đầu trở nên nhẹ nhàng.
 

Trật tự thế giới chống Trump


Điều cần ghi nhớ là giới ngoại giao nước ngoài từng cho rằng Trump sẽ tái đắc cử vào năm 2020. Các đồng minh của Mỹ lo sợ rằng Trump sẽ làm điều mà ông đã cố gắng làm trong giai đoạn trì trệ cuối năm 2020: rút lực lượng Mỹ khỏi các nơi trên thế giới. Khi chưa có dấu hiệu rõ ràng của việc Trump thất bại trong cuộc bầu cử, việc phần còn lại của thế giới bỏ qua các mối đe dọa và cơ hội do nhiệm kỳ thứ hai của Trump mang lại là một sai lầm. Nếu có thì rủi ro hiện đã lớn hơn so với 4 năm trước. Phản ứng trước cuộc tấn công của Nga vào Ukraine cùng sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc đã thúc đẩy Mỹ và các đồng minh phối hợp chính sách đối ngoại chặt chẽ hơn. Nếu Trump nắm quyền chỉ đạo chính sách đối ngoại của Mỹ, thì kết quả sẽ làm sáng tỏ nhiều điều. Các đồng minh của Mỹ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc xây dựng các chiến lược phòng ngừa rủi ro trong năm tới, phòng khi các biện pháp trừng phạt đối với Nga trong thời chiến bị gián đoạn hay Trump lại muốn trở thành người bạn tốt nhất của Kim Jong Un. Điều này giải thích lý do vì sao Pháp và một số nước Đông Âu cũng đang thúc đẩy các nước đồng minh đồng ý kết nạp Ukraine vào NATO càng sớm càng tốt, với dự đoán rằng Trump có khả năng quay lưng lại với Kiev khi cuộc chiến với Nga bùng nổ.


Đồng thời, các quốc gia như Nga, Trung Quốc và Triều Tiên có động cơ để chống lại sức ép của Mỹ với hy vọng Trump trong nhiệm kỳ thứ hai sẽ bảo vệ chính sách đối ngoại. Do đó, khó có khả năng Trung Quốc sẽ để mối quan hệ song phương trở nên bền chặt hơn hay Nga sẽ đưa ra tín hiệu cho thấy họ quan tâm đến các cuộc đàm phán hòa bình nghiêm túc trước cuộc bầu cử. Có ý kiến cho rằng Bắc Kinh và Moskva muốn làm mọi thứ trong khả năng của mình để chứng tỏ thế giới sẽ phải đối mặt với nguy cơ lớn nếu Biden tái đắc cử.


Chính quyền Biden có thể đáp trả những hành vi này bằng cách thể chế hóa chính sách đối ngoại hiện tại của Mỹ ở mức độ càng nhiều càng tốt. Khi các biện pháp trừng phạt Nga trở thành trạng thái bình thường mới, Mỹ sẽ khéo léo phát triển một tổ chức mới giống như Ủy ban Hợp tác về Quản lý Xuất khẩu Đa phương (CoCom) – vốn tồn tại trong Chiến tranh Lạnh để quản lý hoạt động vận chuyển hàng hóa chiến lược của khối Liên Xô. Một cơ cấu như vậy cũng có thể  tỏ ra có lợi trong việc điều phối các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mà Mỹ muốn áp dụng để chống lại Trung Quốc. Chính quyền Biden càng đảm bảo được sự ủng hộ của Quốc hội, thì Trump càng khó đảo ngược lộ trình.


Biden cũng có thể khai thác khả năng Trump quay lại để đàm phán với các đồng minh ngoan cố và đối thủ lâu năm. Lời lẽ thù địch của Trump với Mexico có thể giúp Biden dễ dàng gây áp lực buộc Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador phải cho phép có những điều chỉnh trong việc xử lý vấn đề di cư và buôn ma túy. Đối mặt với việc phải lựa chọn giữa việc tuân theo mong muốn của Biden về vấn đề Mexico hợp tác trong các chiến lược di cư và mối đe dọa từ việc Trump triển khai quân đội Mỹ trên đất Mexico, Chính phủ Mexico có thể thấy phương án đầu dễ chấp nhận hơn. Tương tự, thái độ thù địch rõ ràng của Trump đối với Iran có thể cho phép Biden bắt đầu các cuộc đàm phán hạt nhân với các nhà cầm quyền ở Tehran theo cách khiến Trump phải chịu chi phí lớn hơn khi rút khỏi thỏa thuận một lần nữa – chẳng hạn, bằng cách chuyển tài sản Iran bị phong tỏa sang một bên thứ ba như Qatar trước bất kỳ thỏa thuận nào, từ đó giúp bảo vệ các cuộc đàm phán khỏi những ý tưởng bất chợt từ Nhà Trắng.


Tuy nhiên, động thái tốt nhất mà Chính quyền Biden có thể thực hiện trước khả năng Trump đắc cử nhiệm kỳ thứ hai là giảm khả năng điều này trở thành hiện thực. Chừng nào còn cơ hội cho Trump hoặc một nhân vật tương tự đắc cử tổng thống, thì phần còn lại của thế giới vẫn sẽ nghi ngờ tính bền vững của bất kỳ chiến lược lớn nào của Mỹ. Chính quyền hiện tại cần đánh bại chủ nghĩa Trump, cũng như bản thân Trump.


Điều này không có nghĩa là sử dụng những công cụ bất chính để duy trì quyền lực; điều chắc chắn dẫn đến sự suy thoái ở Mỹ là việc các đối thủ chính trị của Trump áp dụng chiến thuật của chính ông. Tuy nhiên, êkíp của Biden cần tận dụng quá trình tranh cử để nhắc nhở người dân Mỹ về tình trạng hỗn loạn trong những năm Trump cầm quyền, đồng thời nhấn mạnh những thành tựu rõ ràng, cụ thể trong cách tiếp cận chính sách đối ngoại theo hướng truyền thống hơn của Biden. Dưới thời Biden, NATO mạnh hơn và các mối quan hệ của Mỹ ở Vành đai Thái Bình Dương cũng bền vững hơn bao giờ hết. Cách Biden tiếp cận Trung Quốc mang tính đa phương, chứ không phải đơn phương – và các cuộc thăm dò cho thấy phần lớn người dân Mỹ thích việc Washington hành động với sự hỗ trợ đa phương. Nếu Biden đánh bại Trump lần thứ hai khi tranh cử trên nền tảng chính sách đối ngoại của chủ nghĩa quốc tế tự do, thì các đồng minh có thể tin tưởng vào mô hình hợp tác thể hiện tham vọng lớn hơn của Mỹ. Các đối thủ sẽ nhận ra rằng họ không thể chỉ cầm cự và hy vọng các nhà hoạch định chính sách Mỹ thay đổi quan điểm. Lặp lại trường hợp 3 lần thất bại của William Jennings Bryan trong cuộc bầu cử tổng thống của cách đây 1 thế kỷ, thất bại lần thứ 3 của Trump trong cuộc bỏ phiếu phổ thông vào năm 2024 sẽ là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa dân túy ở Mỹ đang có xu hướng đi xuống./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn Foreign Affairs

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage