Ai thực sự được lợi từ cuộc chiến Israel-Hamas?

Thứ Ba, 15/07/2025

9:53 pm(VN)

-

12:53 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Ai thực sự được lợi từ cuộc chiến Israel-Hamas?

22/10/2023

Hơn 48 giờ qua đã chứng kiến sự bùng nổ ngoại giao của Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Trung Đông. Vào ngày 16/10, Vladimir Putin đã nói chuyện qua điện thoại với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và các nhà lãnh đạo Ai Cập, Iran, Syria, Chính quyền Palestine. Putin đã gửi lời chia buồn sâu sắc đến những người Israel bị thiệt mạng, nhưng không lên án các cuộc tấn công của Hamas. Nhà độc tài Nga cũng kêu gọi ngừng bắn và đổ lỗi cuộc khủng hoảng này cho Mỹ.


Động thái của Putin xác nhận hai điều: sự ghẻ lạnh của Nga với Israel và Điện Kremlin coi cuộc chiến Israel-Hamas là cơ hội để làm suy yếu và đánh lạc hướng phương Tây. Nỗ lực này sẽ được Trung Quốc hoan nghênh: thực vậy Putin vừa đến Bắc Kinh để tham dự Diễn đàn Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) do Tập Cận Bình chủ trì. Trong khi đó, Joe Biden ngày 18/10 đã bay tới Israel để gặp Thủ tướng Israel Netanyahu, tìm cách định hình phản ứng quân sự của Israel, khai thông dòng viện trợ cho Gaza và ngăn chặn Iran cũng như các lực lượng ủy nhiệm của nước này.
 

Thủ tướng Israel Netanyahu từng gọi Vladimir Putin là “người bạn thân” của mình. Ông đã đến thăm Nga hàng chục lần trong những năm gần đây. Vì vậy, ông chắc hẳn đã rất ngạc nhiên khi Tổng thống Nga phải mất 9 ngày sau vụ tấn công của Hamas ở miền Nam Israel thì mới nhấc máy. Nga hầu như không đưa ra một lời chỉ trích nào đối với các chiến binh Hamas, mặc dù có báo cáo rằng trong số rất nhiều nước khác, Nga cũng đã mất 16 công dân và 8 người nữa có thể đang mất tích.
 

Netanyahu đã “ve vãn” Putin vì vai trò của Nga ở Syria, nước láng giềng bất ổn nhất của Israel. Nga đã và đang ủng hộ chế độ Bashar al-Assad, nhà độc tài tàn bạo của Syria, thông qua việc ném bom bừa bãi vào các nhóm nổi dậy khác nhau. Ông Netanyahu muốn chắc chắn rằng Israel sẽ được tự do theo đuổi lợi ích riêng của mình ở Syria, bao gồm cả các cuộc không kích định kỳ mà không bị Nga cản trở. Một số người cho rằng Netanyahu, chính trị gia thống trị ở Israel trong 2 thập kỷ qua, cũng có cảm tình với những người độc tài như Putin. Ông do dự khi chỉ trích Nga về cuộc xâm lược Ukraine. Ông cũng không cung cấp vũ khí cho Ukraine, bất chấp yêu cầu của nước này.
 

Mối quan hệ Nga-Israel còn rất nhiều tiềm năng: 15% người Israel nói tiếng Nga, do họ có nguồn gốc từ thời Liên Xô cũ. Putin dường như ngưỡng mộ Israel như một cường quốc khu vực không ngại thể hiện sức ảnh hưởng của mình và hoan nghênh “sự thờ ơ rõ ràng” của Netanyahu trước những thất bại về dân chủ của Nga.
 

Nhưng bất chấp tất cả những biểu hiện nồng nhiệt đó, sự ủng hộ của Nga đối với chủ nghĩa dân tộc của người Palestine vẫn không hề dao động kể từ thời Xô Viết, khi Nga giúp huấn luyện các chiến binh Palestine và trang bị vũ khí cho các nước Arab tấn công Israel vào năm 1973. Nga từ lâu đã gần gũi hơn với những nước như Syria hơn là với Israel. Và sự thiện cảm của Putin dành cho Israel cũng không ngăn cản ông ủng hộ Iran, chế độ chống Israel nhiệt thành nhất ở Trung Đông.
 

Không có gợi ý nào cho thấy Nga đã hỗ trợ trực tiếp cho Hamas trong việc lập kế hoạch hoặc thực hiện cuộc tấn công ở miền Nam Israel. Nhưng Nga vẫn duy trì mối quan hệ thân thiện với Hamas được Iran hậu thuẫn kể từ khi họ lên nắm quyền ở Gaza vì tin rằng một ngày nào đó tổ chức này có thể hữu ích. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã chào đón nồng nhiệt lãnh đạo cấp cao của Hamas Khaled Meshaal tới Moskva vào năm 2007. Khi các lực lượng Israel tiến vào Gaza vào năm 2014 trong một chiến dịch kéo dài 7 tuần, họ nhận thấy mình phải đối mặt với một số lượng lớn tên lửa chống tăng của Nga do Iran cung cấp.
 

Mối quan hệ nồng ấm hơn bao giờ hết của Nga với Iran đã và đang tạo ra căng thẳng với Israel và có thể gây ra sự rạn nứt ngay cả khi không có vụ tấn công tàn bạo ngày 7/10. Năm ngoái, khi Nga sắp hết tên lửa để nghiền nát Ukraine, họ đã được Iran cung cấp hàng trăm máy bay không người lái tự sát Shahed để tấn công cơ sở hạ tầng và trung tâm dân cư. Hiện họ đang tạo ra một phiên bản của riêng mình với sự hỗ trợ từ Iran. Đổi lại, người ta cho rằng Nga sẽ cung cấp cho Iran các trực thăng tấn công và hệ thống phòng không. Những vũ khí này sẽ tăng cường khả năng của Iran nếu nước này xảy ra chiến tranh với Israel.
 

Putin có thể không muốn điều đó, nhưng có lẽ ông sẽ không bận tâm nếu cuộc chiến của Israel chống lại Hamas leo thang và mở rộng sang các khu vực khác của thế giới Arab. Hamas đã “giúp” phương Tây không còn tập trung vào cuộc chiến ở Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cố gắng đảm bảo sự chấp thuận của Quốc hội để hỗ trợ thêm cho Ukraine bằng cách gắn nước này vào gói viện trợ khẩn cấp cho Israel. Nhưng ngay cả khi điều đó thành công, một cuộc xung đột mở rộng ở Trung Đông chắc chắn sẽ làm giảm nguồn cung cấp đạn dược cho Ukraine, điều đó chắc chắn có lợi cho Nga.
 

Bằng cách điều 2 tàu sân bay đến khu vực, cùng với nhà ngoại giao hàng đầu của mình, Antony Blinken, Mỹ đã cho thấy họ mong muốn ngăn chặn xung đột lan rộng như thế nào. Mỹ hy vọng có thể ngăn chặn Hezbollah, một lực lượng ủy nhiệm khác của Iran, đang kiểm soát miền Nam Liban và có kho vũ khí lên tới 150.000 rockét và tên lửa chĩa vào Israel.
 

Một cuộc chiến tranh quy mô lớn hơn có thể sẽ mang lại hai lợi ích cho cả Nga và Iran. Đầu tiên sẽ là giá dầu và khí đốt tăng đột biến, điều này sẽ giúp ích cho cả hai nền kinh tế đang suy yếu và mang lại cho Putin thêm tiền để chi cho cuộc chiến ở Ukraine. Thứ hai là làm gián đoạn các kế hoạch của Mỹ ở Trung Đông. Hiện tại, Hamas đã phục vụ lợi ích của Iran và Nga bằng cách trì hoãn vô thời hạn thỏa thuận hòa bình đã được tranh luận giữa Israel và Saudi Arabia mà Mỹ đã dành nhiều thời gian và nỗ lực để tạo ra.
 

Chính vì những lý do tương tự mà Trung Quốc cũng đã từ chối “an ủi” Israel bằng cách lên án Hamas. Cho đến nay, Trung Quốc chỉ bày tỏ quan ngại “về leo thang căng thẳng và bạo lực hiện nay giữa Palestine và Israel”. Theo một bài viết trên tờ “The Wall Street Journal”, bằng cách đặt cạnh sự chuẩn bị của lực lượng vũ trang hùng mạnh của Israel sắp tiến vào Gaza với hình ảnh các tàu chiến Mỹ dường như đang tiến về khu vực xung đột, các hãng tin Trung Quốc tạo ấn tượng rằng hoạt động này do Washington dẫn đầu.
 

Giống như Nga, Trung Quốc sẽ vui mừng khi thấy Mỹ sa lầy trong khu vực và quyền lực của nước này bị thách thức. Trung Quốc đã giúp môi giới cho việc nối lại quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia vào đầu năm nay, một phần với hy vọng làm suy yếu trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo. Washington có thể không hề biết các kế hoạch của Hamas, nhưng chắc chắn nước này cũng sẽ không hề hối tiếc về tình trạng hỗn loạn mà họ đã gây ra./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn economist.com

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage